Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1. Mở bài
GIới thiệu vấn đề cần nghị luận: bạo lực trong trường học.
2. Thân bài
a. Giải thích
Bạo lực học đường là gì?
– Bạo lực học đường là những hành động không văn minh, thiếu đạo đức, thô bạo, giữa học sinh với học sinh hoặc thậm chí là giữa giáo viên với học sinh tại môi trường giáo dục như nhà trường.
– Bạo lực học đường không chỉ gồm những hành vi tra tấn về thể xác (đánh đập, bắt nạt, …) mà còn cả những hành vi tra tấn về tinh thần (mắng mỏ, chửi bới, kì thị,…)
– Đây là một hành vi càng ngày càng phổ biến tại các trường học.
b. Thực trạng của bạo lực học đường hiện nay
– Học sinh chia bè nhóm trong trường lớp, đánh nhau hay đánh bạn yếu thế hơn: vụ nữ sinh ở Quảng Ninh bị 10 bạn khác đánh hội đồng bị quay clip và tung lên mạng khiến dân mạng phẫn nộ.
– Học sinh hỗn xược với giáo viên: học sinh bất kính, không chào thầy cô, cãi lại, thiếu tinh thần “tôn sư trọng đạo.”
– Thầy cô xúc phạm, tạo áp lực với học sinh: Vụ giáo viên Toán ở THPT Long Thới suốt 3 tháng lên bục mà không giảng bài => bạo lực tinh thần
c. Hậu quả của tình trạng bạo lực học đường
– Với nạn nhân:
+ Phải chịu tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần.
+ Ảnh hưởng tới gia đình, nhà trường của nạn nhân.
+ Tạo tâm lí lo sợ trong xã hội tại môi trường học đường: phụ huynh không yên tâm về con em mình, học sinh lo lắng vì bạo lực có thể xảy ra với chính mình,…
– Với người gây ra bạo lực:
+ Chịu kì thị xã hội vì những điều bản thân gây ra.
+ Tạo mầm mống, tiền đề cho những tội ác lớn hơn sau này.
+ Làm hỏng tương lai của bản thân, gây ảnh hưởng tới xã hội.
d. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
– Do chưa có sự quan tâm từ gia đình, nhà trường một cách xác đáng.
– Do tâm sinh lí lứa tuổi học sinh dễ bị kích động, chưa biết cách kiểm soát những hành động của mình, thiếu kĩ năng sống.
– Do cá nhân chịu ảnh hưởng từ môi trường bạo lực của những người xung quanh: gia đình làng xóm có người bạo lực, xem những chương trình truyền hình có nội dung bạo lực không phù hợp với lứa tuổi,…
– Nhà trường còn nặng về giáo dục kiến thức mà chưa quan tâm đến giáo dục kĩ năng ứng xử cho học sinh hay cách phòng tránh, đối mặt với bạo lực học đường.
e. Biện pháp khắc phục bạo lực học đường
– Nhà trường, gia đình cần chú trọng quan tâm đến đời sống tâm sinh lí của học sinh.
– Quan tâm phát triển những kĩ năng mềm, giáo dục ý thức, biết lên tiếng khi xảy ra bạo lực tại trường học.
– Tự bản thân tu dưỡng, rèn luyện để chính mình không trở thành kẻ gây ra hay nạn nhân của bạo lực học đường.
3. Kết bài
Nêu suy nghĩ của bản thân về hiện tượng bạo lực học đường:
– Là một hiện tượng xấu cần được loại trừ khỏi xã hội.
– Lên án, phê phán, tham gia xóa bỏ hiện tượng này tại môi trường học tập.
1. Mở bài
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan.”
Bác Hồ từng mong những thế hệ học sinh luôn ngoan ngoãn, học giỏi để sau này kiến thiết nước nhà như vậy đấy. Nhưng theo nhịp phát triển của thời đại 4.0, học sinh ngày nay đang phải đối mặt với nhưng vấn nạn vô cùng đáng lo ngại mà một trong số đó là bạo lực học đường. Đây là một vấn đề gây nhức nhối trong nhiều năm trở lại đây, khiến thầy cô và không ít bậc cha mẹ phiền lòng.
2. Thân bài
Hiểu một cách đơn giản, bạo lực học đường là những hành động, cử chỉ không văn minh, thô bạo, giữa học sinh với học sinh hay thậm chí giữa giáo viên với học sinh tại môi trường giáo dục chuẩn mực như nhà trường. Ai cũng hiểu “Bạo lực chẳng bao giờ mang đến những điều tốt đẹp” (Martin Luther) nhưng lại không ngăn được hiện tượng này. Bạo lực học đường không đơn thuần là những hành vi hành hạ nạn nhân về mặt thể xác (đánh, đập,…) mà còn cả những hành vi tra tấn về tinh thần (mắng mỏ, chửi bới, kì thị,…). Mức độ, quy mô và tính chất của nó ngày càng gia tăng, ngày càng phổ biến tại các trường học.
Thật không khó để bắt gặp những trường hợp bạo lực học đường trên các trang mạng, phương tiện thông tin đại chúng. Đó là những học sinh đáng nhẽ cần “học để làm người” từ những lẽ hay, từ sách vở thì nay lại chia bè nhóm trong trường lớp, đánh nhau hay đánh bạn yếu thế hơn. Như vụ nữ sinh ở Quảng Ninh mới đây thôi bị mười bạn khác đánh hội đồng, quay clip tung lên mạng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì sự vô văn hóa của những học trò này. Đó còn là hình ảnh những người học sinh hỗn xược, bất kính với giáo viên: gặp thầy cô không chào, có những lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm nhà giáo,… đã đi ngược hoàn toàn với tinh thần “tôn sư trọng đạo” mà ông cha ta dạy dỗ bao đời nay. Nhưng lại còn đáng buồn hơn nữa khi những người cô, người thầy lại chính là người gây ra những hành vi đáng lên án này. Điển hình là cô giáo dạy Toán ở THPT Long Thới suốt ba tháng liền lên lớp không giảng lấy một chữ cho trò. Đây là hình thức bạo lực tinh thần, mà tin rằng còn ám ảnh hơn bạo lực thể xác.
Hậu quả của những hành vi thiếu kiểm soát trên không phải ai cũng lường trước được và cũng không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết những vết nhơ mà nó để lại. Nạn nhân có lẽ là người chịu thương tổn nặng nề nhất cả về thể xác lẫn tinh thần. Vết thương thể xác còn có thể lành nhưng nỗi ám ảnh về ngôi trường học thiếu an toàn sẽ còn theo các em học sinh ấy mãi. Bạo lực học đường ảnh hưởng tới môi trường giáo dục mà các em đang theo, ảnh hưởng tới nỗ lực cố gắng của các em, gây phiền muộn tới phụ huynh, nhà trường. Nguy hiểm hơn, nó sẽ tạo ra một nỗi bất an trong tâm lí xã hội tại trường học. Chắc chắn rằng sẽ chẳng phụ huynh nào yên tâm cho con học tạo một môi trường như thế và cũng chẳng học sinh nào an chí học hành khi lo sợ rằng liệu ngày mai mình có bị bắt nạt không? Điều này làm mất uy tín, danh dự, niềm tin đối với nhà trường… Người gây ra bạo lực cũng sẽ chịu một bản án lương tâm không hề dễ chịu từ chính mình, chính gia đình bạn bè và xã hội. Còn gì buồn hơn mình bị mọi người xung quanh kì thị? Hành vi bạo lực bây giờ là mầm mống, tiền đề cho những tội ác lớn hơn sau này mà không ai có thể ngờ được. Tương lai của một đứa trẻ sẽ mất đi, gây ảnh hưởng tới tương lai chung của đất nước.
Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng đáng buồn như vậy? “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ cùng với thầy giáo và người lớn hãy cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc.” (Hồ Chí Minh). Lời dạy của Bác thật đúng đắn, phải chăng trong việc này trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình và xã hội? Họ chưa có sự quan tâm đúng mức tới con em của mình. Lứa tuổi học trò là lứa tuổi mới lớn, rất dễ bị kích động bạo lực, chưa biết cách kiểm soát những hành động của mình vì ngay bản thân các em còn thiếu nhiều kĩ năng sống. Thế giới ngày càng phát triển cũng không thể tránh khỏi việc các em tiếp xúc với môi trường bạo lực từ trong phim ảnh ngay từ sớm hay ảnh hưởng bạo lực từ chính gia đình làng xóm có người bạo lực. Giáo dục nhà trường còn nặng về kiến thức, chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, hướng dẫn học sinh cách phòng tránh hay đối mặt với bạo lực học đường.
Giải pháp đúng đắn nào để khắc phục tình trạng học đường đang diễn ra tràn lan kia? Thứ nhất, nhà trường và gia đình cần phối kết hợp, quan tâm đến đời sống tâm sinh lí của học sinh, để cha mẹ thành bạn bè, thầy cô thành cha mẹ thứ hai của các em. Hơn nữa, cần phải quan tâm phát triển những kĩ năng mềm, giáo dục ý thức cho học sinh. Bản thân các em cũng cần tu dưỡng, rèn luyện để bản thân không trở thành đối tượng của bạo lực hay kẻ gây ra bạo lực, biết lên tiếng khi thấy bạo lực xảy ra trong trường học.
3. Kết bài
Như vậy, bạo lực học đường thật sự là một hiện tượng xấu cần được loại trừ khỏi xã hội. Mỗi cá nhân cần cùng nhau góp sức để xóa bỏ hiện tượng này một cách triệt để:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Tin rằng với sức mạnh đoàn kết, với sự đồng lòng tập thể thì vấn nạn trên sẽ sớm được giải quyết.
* Cảm ơn các bạn nhỏ đã đọc bài viết Bài văn nghị luận về bạo lực học đường. Trung tâm hi vọng với tài liệu tham khảo này có thể giúp việc học văn của chúng mình trở nên dễ dàng hơn. Để học tốt được môn văn, các bạn nhỏ chỉ nên tham khảo bài viết này và hãy tự viết lại theo ý kiến cá nhân của mình. Hãy like và share bài viết nếu thấy hay nhé !!!!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm