Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
Nội dung bài viết
Chuyên đề về văn nghị luận xã hội gia sư Đăng Minh sẽ hướng dẫn các em lập dàn ý và viết bài văn nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – một đức tính tuyệt vời của con người, trong mỗi chúng ta ai cũng có lòng dũng cảm. Hãy theo dõi bài viết sau để tìm hiểu thêm nhé.
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận về lòng dũng cảm của mỗi con người.
a. Giải thích
Lòng dũng cảm là gì?
Lòng dũng cảm là một đức tính tốt đẹp của con người, không run sợ trước những khó khăn thử thách, dám vượt qua những gian nan để thực hiện ước mơ của mình.
b. Chứng minh
Những biểu hiện đẹp của lòng dũng cảm
– Trong quá khứ:
+ Anh hùng Trần Quốc Toản tuy mới 15 tuổi mà đã muốn xung phong đánh quân Nguyên Mông, không được đồng ý nên tức giận bóp nát quả cam.
+ Chú bé Lượm hăng hái vượt qua mặt trận dày đặc bom đạn để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
+ Biết bao những vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống vì màu cờ đất nước trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc: Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu,…
– Ở hiện tại:
+ Cậu Nguyễn Văn Nam lớp 12 ở Nghệ An dũng cảm nhảy xuống sông cứu 3 em học sinh sắp chết đuối.
+ Những anh lính cứu hỏa dũng cảm quên mình.
+ Ngay cả những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ngày ngày lạc quan sống có ích cho đời cũng là một biểu hiện của lòng dũng cảm.
Tại sao con người cần phải có lòng dũng cảm?
– Người có lòng dũng cảm dám khẳng định mình, không hèn nhát, lùi bước trước những thử thách của cuộc sống.
– Giúp hoàn thành mục tiêu với một quyết tâm cao độ, vì thế mà dễ dàng đạt thành quả hơn.
– Khẳng định giá trị bản thân trước bạn bè, gia đình và xã hội.
Phản đề
– Phê phán những người hèn nhát, không dám lên tiếng trước những bất công xã hội.
– Phê phán những người ngộ nhận lòng dũng cảm với sự liều lĩnh, bất chấp, không biết hậu quả trước sau.
c. Bài học nhận thức và hành động
– Bài học nhận thức: hiểu giá trị đúng đắn mà lòng dũng cảm mang lại
– Bài học hành động: Tu dưỡng, rèn luyện dòng dũng cảm từ những việc nhỏ bé nhất trong cuộc sống hàng ngày để có dũng khí đương đầu với những khó khăn
Khẳng định vấn đề cần nghị luận: dũng cảm là một đức tính tốt mà mọi người cần phải rèn luyện.
Cuộc đời mỗi con người thực chất là một bánh xe điên cuồng do tạo hóa kiến tạo. Bánh xe ấy để lăn tới cuối con đường thành công thì phải cần trang bị những thứ thật tốt để đương đầu với những vật cản mà nó sẽ gặp phải. Và lòng dũng cảm là một trong những hành trang quan trọng ấy. Có lòng dũng cảm, ta tự khắc có đủ niềm tin để vượt qua mọi chông gai thách thức.
Vậy thực chất lòng dũng cảm là gì? Nó chính là phần bên trong của con người, là nội lực, là ý chí, là quyết tâm, là tất cả những gì mạnh mẽ nhất khiến con người có dũng khí giải quyết khó khăn trước mắt. Hiểu một cách đơn giản, bạn dám đứng lên trình bày quan điểm của mình trước lớp, ấy là dũng cảm. Bạn dám lên án những thói hư tật xấu ở trường lớp, cũng là dũng cảm. Khi lòng dũng cảm xuất hiện, chìa khóa của mọi thắc mắc cũng được tìm thấy: ” Lòng can đảm là biện pháp để đối đầu những điều không biết trước.” (Agatha Christie)
Từ xưa đến nay, đất nước ta có biết bao tấm gương tuyệt vời là minh chứng thuyết phục nhất cho tinh thần dũng cảm. Ngược dòng thời gian về cả nghìn năm về trước, ta bắt gặp vị anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản can đảm xung phong đánh quân Nguyên Mông, vì không được chấp thuận mà tức giận bóp nát quả cam. Ta còn thấy hình ảnh chú bé Lượm nhỏ bé về thể xác nhưng lớn lao về tinh thần, dám vượt qua mặt trận đầy bom đạn kẻ thù để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Hay ở hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc gần đây thôi là biết bao anh hùng xả thân, lấy máu mình tô rực thêm màu cờ tổ quốc như chị Võ Thị Sáu, anh Bế Văn Đàn, anh La Văn Cầu,… Dù ngay ở thời bình, cũng không khó để ta được chứng kiến những tấm gương mạnh mẽ. Đó là Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An sẵn sàng hi sinh thân mình cứu ba bạn nhỏ khỏi chết đuối, là những anh lính cứu hỏa bất chấp hiểm nguy lao vào biển lửa cứu bao nhiêu sinh mạng. Hay đơn giản hơn, là những bệnh nhận tuy mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn ngày ngày cố gắng cống hiến những điều tốt đẹp cho đời. Họ là những con người kiên cường, dám gạt nỗi lo sợ của bản thân để làm điều lớn lao, cao cả.
Đức tính dũng cảm sẽ giúp ta thật nhiều trong cuộc sống. Trước hết, nó giúp ta khẳng định bản thân trước nghịch cảnh, gạt bỏ sự sợ hãi hèn nhát ra khỏi mình. Từ đó, ta có dũng khí thực hiện ước mơ. Mọi ước mơ, mục tiêu sẽ được hoàn thành với quyết tâm cao độ nên sẽ dễ dàng gặt hái thành công. Ngoài việc khẳng định với chính mình, lòng dũng cảm còn giúp ta khẳng định mình với người khác như: bạn bè, gia đình, xã hội. Bản lĩnh, những cố gắng của ta trước họ sẽ được công nhận.
Nhưng thật đáng buồn thay, nhiều người vẫn còn thiếu lòng dũng cảm trong cuộc sống. Họ run sợ, hèn nhát trước mỗi khó khăn hay tìm cách né tránh nó mà không nghĩ đến việc đối mặt để giải quyết. Họ làm thinh trước những bất công xã hội. Đi đường thấy một em bé bị đánh mà bỏ đi, thấy bạn bè gặp khó mà làm ngơ, gặp bà cụ bị ngã cũng mặc kệ,… Đó là những hành động thật đáng lên án. Nhưng càng buồn hơn nữa khi một số người hiểu nhầm nghĩa của hai từ “dũng cảm”. Cố chấp, thấy sai mà vẫn làm, liều lĩnh làm mà không nghĩ tới hậu quả của nó,… không phải là những biểu hiện của lòng dũng cảm. Mà đúng hơn đây giống với biểu hiện của những con người ngang ngược, tách mình ra khỏi cộng đồng, xã hội.
Hiểu vậy, nên ta cần rút ra những bài học đúng đắn cho bản thân. Nên nhận thức được những giá trị tốt đẹp mà lòng dũng cảm mang tới. Muốn thế, ta cần tự tu dưỡng, rèn luyện đức tính dũng cảm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hãy thử nhận khuyết điểm của mình tới người khác; bênh vực, giúp đỡ những bạn gặp khó khăn hay dám theo đuổi một đam mê chính đáng nào đó,… Ấy là bạn đã từng bước tu dưỡng lòng dũng cảm của bản thân.
Cuộc sống luôn ẩn chứa vô vàn thử thách mà chúng ta không lường hết được. Để đối mặt với nó, chúng ta chỉ còn cách rèn luyện bản thân thật tốt mà lòng dũng cảm là một trong những đức tính quan trọng cần được lưu ý. Rồi sẽ có một ngày, bạn nhận được những phần thưởng xứng đáng từ những vất vả gian lao mà bạn đang cố gắng từng ngày vượt qua như lời bác Hồ từng dạy:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”
(Giã gạo – Hồ Chí Minh)
Từ khóa tìm kiếm nhiều :
nghị luận về lòng dũng cảm
lòng dũng cảm là gì
nghị luận xã hội về lòng dũng cảm
dàn ý về lòng dũng cảm
dàn ý nghị luận về lòng dũng cảm
nghị luận lòng dũng cảm
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm