Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1, Mở bài
– Dẫn dắt – giới thiệu vấn đề: dẫn dắt từ hiện tượng đời sống: đất nước ngày càng phát triển kéo theo nhiều vấn đề phát sinh.
– Nêu hiện tượng: vấn đề an toàn giao thông đang được đặt lên hàng đầu.
2, Thân bài
2.1, Giải thích việc bảo đảm an toàn giao thông là gì?
Là biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông nhằm hạn chế các thiệt hại về người và của do những tai nạn gây lên.
2.2. Bàn luận
a, Hiện trạng
– Các vụ tai nạn giao thông xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, nhất là trong các dịp nghỉ lễ.
– Số người chết và bị thương sau mỗi vụ tai nạn tăng đáng kể.
– Dẫn chứng: Theo thống kê của Cục CSGT thì năm 2017 cả nước xảy ra 10.518 vụ tai nạn, làm chết 9.510 người và bị thương 10.700 người khác.
b, Hậu quả
– Tạo thành một thói quen rất xấu đối với người tham gia giao thông.
– Gây thiệt hại lớn về người => nỗi đau mất người thân cho gia đình nạn nhân
– Tổn thất đáng kể nền kinh tế cá nhân và đất nước.
– Gây mất an toàn xã hội.
– Làm mất hình ảnh trước bạn bè quốc tế.
c, Nguyên nhân
*Nguyên nhân khách quan:
– Do cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo: đường nhiều ổ gà, không có rào chắn, đường quá hẹp,…
– Do điều kiện thời tiết: mưa, bão, gió to,…
– Do phương tiện giao thông cũ kĩ hoặc không đảm bảo yêu cầu (thiếu gương chiếu hậu, hỏng đèn,…)
* Nguyên nhân chủ quan:
– Do ý thức kém của người tham gia giao thông: không tuân thủ tín hiệu đèn, say xỉn, ….
– Do hoạt động bán hàng rong, vui chơi hè phố khiến hoạt động lưu thông trên đường gặp cản trở.
– Do hoạt động mê tín dị đoan của nhiều người rằng gặp tai nạn giao thông là do số mệnh mà không thể nào phòng tránh được.
– Do trách nhiệm giáo dục an toàn giao thông của gia đình, nhà trường, địa phương chưa tốt.
d, Giải pháp
– Nhà nước quan tâm giải quyết vấn đề về cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho người tham gia giao thông thuận tiện.
– Cơ quan có thẩm quyền cần phân công kiểm soát tốt các khu vực, nhất là vào giờ cao điểm.
– Mỗi cá nhân khi tham gia giao thông cần ý thức được trách nhiệm của mình không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn cho người khác.
– Gia đình, nhà trường quan tâm, tuyên truyền, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về an toàn giao thông.
3, Kết bài
– Khẳng định an toàn giao thông là vấn đề cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu.
– Mỗi công dân nên ý thức về hành vi, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, hãy là một người tham gia giao thông có ý thức.
1. Mở bài
Đã gần nửa thế kỉ trôi qua từ ngày đất nước ta ngừng tiếng bom tiếng súng, mọi nguồn lực và vật lực chuyển hướng hoạt động, dành hết cho sự phát triển kinh tế của nước nhà. Và thực sự, nền kinh tế ấy đã đạt được những thành tựu đáng kể, nâng vị trí Việt Nam lên dần trên bản đồ xếp hạng thế giới. Nhưng song song với sự phát triển đó là những vấn đề mới nảy sinh hết sức phức tạp mà một trong số đó là an toàn giao thông. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng và chính phủ nêu cao khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”. Đây thực sự là một vấn đề mang tính cấp bách tới sự phát triển của đất nước.
2. Thân bài
Vậy rốt cuộc cụm từ “An toàn giao thông” có nghĩa là gì? Hiểu một cách đơn giản, đây chính là ý thức của người tham gia giao thông và cả những hành vi, biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Điều này giúp ngăn chặn hạn chế các thiệt hại về người và của do các vụ tai nạn giao thông gây lên:
“Văn hoá giao thông, ta phải nhớ cho,
Chấp hành luật, đừng tự do, tuỳ tiện,
Khi tai nạn tang thương ập đến,
Thì muộn rồi, vào viện mới suy tư.”
Thật đáng buồn khi hiện trạng của các vụ tai nạn giao thông luôn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng lên. Chúng xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, nhất là trong các dịp lễ – khi mà số lượng các phương tiện tham gia giao thông nhiều hơn. Số người chết và bị thương sau mỗi vụ tai nạn cũng tăng đáng kể. Theo thống kê của Cục CSGT thì năm 2017 cả nước xảy ra 10.518 vụ tai nạn, làm chết 9.510 người và bị thương 10.700 người khác. Đây hoàn toàn là những con số biết nói, nhắc nhở chúng ta về ý thức tham giao thông cần được quan tâm hơn nữa.
Hậu quả để lại sau mỗi lần bất cẩn thật không thể cân đo đong đếm được. Ngoài việc tạo thói quen xấu về văn hóa giao thông cho cộng đồng còn gây thiệt hại về người. Đã qua rồi cái thời ông bà ta bịn rịn chia tay người thân khi họ ra chiến trường nhưng ở thời hiện đại, cũng biết bao ông bố bà mẹ lo lắng không biết con cái mình ra đường liệu còn trở về không. Nỗi đau mất người thân tại sao đến thời đại này vẫn có? Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, những vụ tai nạn để lại còn gây thiệt hại tới nền kinh tế đất nước, gây mất an toàn xã hội. Rộng hơn nữa, nó còn giảm sự tin tưởng của bạn bè quốc tế khi đến du lịch ở Việt Nam. Thế mới thấy, hậu quả do mất an toàn giao thông để lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
Nguyên nhân của hiện trạng trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan là do cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo an toàn: còn nhiều ổ gà, không có vạch chia làn đường hay đường quá hẹp,…. Mặt khác còn do điều kiện thời tiết làm giảm tập trung của người lái xe (gió to, mưa, bụi,…) và cả sự mất an toàn ngay trên chính phương tiện tham gia giao thông đã quá cũ kĩ hay không tuân thủ yêu cầu (như xe máy phải đủ gương chiếu hậu, đèn,…). Về phía nguyên nhân chủ quan (người tham gia giao thông): Do ý thức tham gia giao thông kém khi không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe, không tuân thủ tín hiệu đèn,…; do hoạt động bán hàng rong, vui chơi lấn chiếm lòng đường; do mê tín dị đoan khi nghĩ rằng tai nạn là số mệnh mà không có cách nào tránh đc; do trách nhiệm giáo dục của gia đình và địa phương chưa tốt.
Để khắc phục vấn đề trên, cần có những giải pháp thiết thực và phù hợp. Nhà nước cần là người đi đầu tiên trong công cuộc này bằng cách khắc phục những cơ sở hạ tầng xuống cấp. Các cơ quan có thẩm quyền cần phân công điều tiết tốt các làn đường vào giờ cao điểm. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông để đảm bảo tính mạng cho mình và người khác. Gia đình, nhà trường quan tâm, tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục ý thức tham gia giao thông cho con em mình. “An toàn là bạn, tai nạn là thù” là câu nói mà mỗi chúng ta cần nhớ khi bước ra đường.
3. Kết bài
Như vậy, an toàn giao thông thực sự là vấn đề cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu. Chẳng ai có thể bảo vệ bạn ngoài chính bản thân bạn nên hãy là một công dân có ý thức về hành vi, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Hãy là một người tham gia giao thông có ý thức! Hãy chung tay vì một xã hội an toàn và văn minh!
___HẾT___
Trung tâm thân gửi các bạn Bài văn nghị luận về an toàn giao thông – một dạng bài nghị luận rất hay gặp trong chương trình. Mong rằng với tài liệu này các bạn sẽ có thể biết phương hướng triển khai ý để làm bài kiểm tra, bài thi một cách tốt nhất. Hãy chia sẻ bài văn để trung tâm có động lực cho ra nhiều tài liệu bổ ích khác nhé!!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm