slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Dàn Ý Nghị Luận Trao Duyên Và Bài Văn Nghị Luận Bài Trao Duyên

I, Dàn Ý Nghị Luận Đoạn Trích Trao duyên

  1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu đoạn trích “Trao duyên.”

  1. Thân bài
  2. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

– Tác giả: Nguyễn Du được tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc” bởi tài năng nghệ thuật sáng chói cùng tâm hồn đáng ngưỡng mộ.

– Tác phẩm: Truyện Kiều là một truyện thơ gồm 3254 câu lục bát, được dựa trên cốt truyện của Trung Quốc nhưng Nguyễn Du đã Việt hóa nó, khiến nó mang đậm bản sắc dân tộc cùng tâm hồn của thi nhân.

– Đoạn trích Trao duyên: đoạn thơ dài 34 câu, là đoạn khởi đầu cho bi kịch quãng đời mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều. Đoạn trích là lời gửi gắm, trao duyên của nàng Kiều cho em mình là Thúy Vân.

  1. Phân tích đoạn trích 

*12 câu thơ đầu: Lời trao duyên Thúy Vân của Thúy Kiều

– Hai câu đầu: Lời nhờ cậy của Thúy Kiều với Thúy Vân:

+ Lời lẽ: 

  • Cậy: 

o Tiếng mang thanh trắc: gợi sự nặng nề, đau đớn.

o Vừa mang nghĩa trông mong được giúp đỡ (đồng nghĩa với “nhờ”) nhưng vừa mang nghĩa tha thiết, gửi gắm đầy tin tưởng.

  • Chịu: nhận lời (đồng nghĩa với “nhận lời”) nhưng chịu còn mang sắc thái nài ép, không thể không nhận.
  • Thưa gửi.

+ Hành động, cử chỉ: ngồi lên, lạy, thưa:

  • Thái độ kính cẩn với người về trên với kẻ dưới hay người mình mang ơn.

=> Bất hợp lí: ở đây Kiều là chị mà lại lạy, thưa em mình >< Hợp lí: trong hoàn cảnh ấy, Thúy Vân chịu chấp nhận lời nhờ cậy này là chấp nhận hi sinh bản thân sẽ phải làm vợ Kim Trọng, người mình không hề có tình cảm.

  • Tạo sự trang trọng, thiêng liêng cho điều chuẩn bị nói.

=> Thể hiện sự thông minh, khéo léo của Thúy Kiều đồng thời toát lên sự éo le của mối tình Kiều – Kim dang dở. Người ta thường trao kỉ vật chứ không ai trao duyên.

=> Thể hiện nghệ thuật sử dụng từ ngữ điêu luyện của Nguyễn Du.

– 10 câu tiếp: lí lẽ trao duyên của nàng Kiều:

+ Kiều thổ lộ tình cảnh của mình:

  • Thành ngữ “Đứt gánh tương tư”: thể hiện tình duyên dang dở, không lối thoát giữa một bên là hiếu, một bên là tình.
  • “Mặc”: phó mặc, ủy nhiệm cho Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

-> Tâm trạng đau xót của Kiều về mối tình mỏng manh với chàng Kim.

-> Lời thuyết phục không khéo, khiến Thúy Vân gợi lên lòng thương và trách nhiệm.

+ Kiều kể về mối tình với chàng Kim Trọng:

  • “Quạt ước, chén thề”: những kỉ niệm đẹp, ấm êm với những lời hẹn ước thủy chung.
  • “Sóng gió bất kì”: tai họa bất kì ập đến, khiến Kiều phải chọn bên tình.

-> Vừa bộc lộ tâm trạng đau đớn của Kiều, vừa khiến Vân xúc động mà nhận lời.

+ Kiều nhắc đến tuổi trẻ và tình máu mủ:

  • Hình ảnh “Ngày xuân”: ẩn dụ cho tuổi trẻ -> Vân vẫn còn trẻ, còn cả thanh xuân phía trước.
  • “tình máu mủ”: tình ruột thịt -> thuyết phục em bằng tình ruột thịt.
  • Thành ngữ “Thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”: cái chết mãn nguyện của Kiều

-> Thể hiện cảm kích khi Thúy Vân nhận lời

=>  Lời lẽ sắc sảo, lập luận tinh tế này khiến Vân không thể từ chối.

* 14 câu tiếp: Lời Kiều dặn dò khi trao kỉ vật:

– 6 câu đầu: Kiều trao kỉ vật cho Thúy Vân

+ Kỉ vật: chiếc vành cùng bức tờ mây -> Thiêng liêng, gợi quá khứ hạnh phúc.

+ Các từ “giữ”, “của chung”, “của tin”:

  • “Của chung”: là của Kiều – Kim nhưng nay của chung cả Vân nữa.
  • “Của tin” là những vật minh chứng cho tình yêu của Kim – Kiều.

=> Kiều đau xót khi chỉ có thể gửi Vân mối tình dở dang chứ không thể trao hết sự vẹn tròn như giữ nàng và Kim Trọng.

– 8 câu thơ tiếp: Lời dặn dò của nàng Thúy Kiều:

+ Kiều dự cảm về cái chết sẽ đến với mình: hiu hiu gió, hồn, nát thân bồ liễu,… -> Dự cảm tương lai trắc trở.

+ Kiều dặn dò Vân: 

  • “Đền ghì trúc mai”: đền ơn đáp nghĩa cho chị
  • “Rưới xin giọt nước”: Tẩy oan khiên cho chị

-> Nỗi dằn vặt trong lòng Kiều về mối tình dở dang cới chàng Kim.

 

*8 câu thơ cuối: Kiều trở về thực tại đau xót khi nhớ tới tình yêu đứt gánh của mình

– Lời thơ chuyển tự đối thoại với Thúy Vân sang độc thoại nội tâm.

– Nàng ý thức rõ về hoàn cảnh của mình: trâm gãy gương tan, tơ duyên ngắn ngủi, phận bạc như vôi,…

– Hành động: nhận mình là người phụ bạc, lạy tạ lỗi, gọi tên Kim Trọng.

=> Kiều đau cho người khác nhiều hơn đau cho mình.

  1. Tổng kết

– Nội dung: tâm trạng đau đớn cùng cực của Kiều.

– Nghệ thuật: từ ngữ biểu cảm, thành ngữ, điệp từ,…

  1. Kết bài

Khẳng định tài năng của Nguyễn Du trong từng câu chữ và khẳng định giá trị đoạn trích nói riêng, bài thơ nói chung.

  1. Dàn Ý Nghị Luận “Trao Duyên”
  2. Mở bài

Tố Hữu chẳng từng đọc thiên “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du mà rưng rưng rằng:

“Trải qua một cuộc bể dâu 

Câu thơ còn đọng nỗi đau chân tình 

Nổi chìm kiếp sống lênh đênh 

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều.”

Giọt lệ ấy là của bao thế hệ độc giả, khóc cho một kiếp tài hoa bạc mệnh, khóc cho một mối tơ hồng dở dang. Một trong những đoạn trích tiêu biểu thể hiện rõ nhất sự đau khổ của nàng Kiều trước tình duyên đứt gánh này chính là đoạn trích “Trao duyên”. Tài năng và tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du được bộc lộ một cách trọn vẹn và đủ đầy.

  1. Thân bài

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du được tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc”. Chính tài năng nghệ thuật sáng chói cùng “con mắt đi trước cả nghìn đời” của ông đã làm độc giả bao thế hệ phải ngưỡng mộ. Truyện Kiều là một tác phẩm dài 3254 câu lục bát, dựa trên cốt truyện của Trung Quốc, nhưng chính khả năng Việt Hóa tuyệt vời đã khiến nó mang đậm bản sắc dân tộc cùng tâm hồn nhân đạo cao cả của ông. Đoạn trích “Trao duyên” gồm 34 câu thơ, thuộc phần đầu bi kịch dài mười lăm năm lưu lạc của Kiều. Đây chính là lời gửi gắm, trao duyên của nàng Kiều dành cho em gái mình là Thúy Vân.

Mười hai câu đầu đoạn trích chính là lời trao duyên tới Thúy Vân của Thúy Kiều. Kiều nhờ em thay mình trả nghĩa chàng Kim để lấy thân mình chuộc cha và em:

“Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”

Không phải “nhờ” mà là “cậy”, không phải thanh bằng êm dịu mà là thanh trắc nặng nề. Nếu “nhờ” chỉ trông mong được giúp đỡ nhưng “cậy” còn cao hơn một bậc, ấy là sự tha thiết, gửi gắm đầy tin tưởng, thậm chí là phó mặc cho người kia. Tiếng “cậy” ấy còn song hành với “chịu” làm tăng thêm sắc thái nài ép, không thể không nhận: “ngồi lên”, “lạy”, “thưa”,… Thái độ kính cẩn của người bề trên với kẻ dưới xưa nay mấy khi xuất hiện? Nhưng điều này Nguyễn Du đặt ra lại hoàn toàn hợp lí bởi nếu Thúy Vân gật đầu đồng ý, gật đầu dẹp hạnh phúc bản thân sang một bên, gật đầu làm vợ Kim Trọng – người mà mình không hề có tình cảm. Từng lời lẽ đều toát lên sự khéo léo của Kiều để chuẩn bị tâm lí vững vàng cho Thúy Vân đón nhận điều tiếp theo nàng chuẩn bị nói. Ẩn sau tất cả là sự đau đớn cùng cực khi phải coi duyên tình như một đồ vật, đem trao cho người khác… Lí lẽ trao duyên của nàng Kiều tiếp tục mở ra cụ thể hơn:

“Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim ,

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kỳ,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?”

Kiều đang thổ lộ tình cảm của mình một cách chân thực nhất nhằm có được sự thương xót của Thúy Vân.  Thành ngữ “Đứt gánh tương tư” thể hiện tình duyên dang dở, không lối thoát giữa một bên là hiếu và một bên là tình. Thêm chữ “mặc” còn mang thái độ phó mặc, ủy nhiệm cho Vân thay mình trả nghĩa Kim Trọng. Lời thuyết phục ấy gợi lên trong tâm hồn trong sáng của nàng Vân tình thương và trách nhiệm: chị mình đã hi sinh tình riêng vì nghĩa nhà rồi, bản thân có nên góp một phần công sức gì đó? Kiều còn kể về mối tình lỡ dở với chàng Kim bằng một giọng không thể xót xa, ngậm ngùi hơn. Hình ảnh “quạt ước, chén thề” tượng trưng cho những kỉ niệm đẹp, ấm êm với những lời hẹn ước thủy chung. Vậy mà “sóng gió bất kì” ập đến khiến người con gái liễu yếu đào tơ phải chọn bên hiếu bên tình. Kiều nhắc tới tuổi trẻ và tình máu mủ khiến Thúy Vân không thể không nhận lời:

Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”

“Ngày xuân” ở đây chính là hình ảnh ẩn dụ cho tuổi trẻ. Vân vẫn còn trẻ tuổi đời, còn cả tương lai phía trước. Hơn nữa, “tình máu mủ”, tình ruột thịt cũng sẽ khiến Vân vì thương chị mà nhận lời trao duyên. Sự bi quan, đau khổ của Kiều mở ra hàng loạt các thành ngữ “Thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”. Phải chăng Kiều đã hình dung ra một tương lai đầy khổ đau? Nhưng dù thế nào Kiều cũng sẽ cảm thấy mãn nguyện, cảm kích khi mối tơ hỏng này được em mình vá giúp. Suốt từ đầu đến cuối không hề xuất hiện lời nói của Thúy Vân, Nguyễn Du như đang để Kiều dốc sạch bầu tâm sự thì mới có thể thoải mái ra đi. Ông chắc hẳn phải thấu hiểu tâm lí nhân vật đến mức tuyệt đối mới có thể viết ra những vần thơ tuyệt diệu đến vậy. 

Mười bốn câu thơ tiếp chính là lời Kiều dặn dò khi trao kỉ vật. Đó là những kỉ vật thiêng liêng, gợi lại quá khứ hạnh phúc của mối tình Kim – Kiều:

“Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Các từ thể hiện quan hệ sở hữu như “giữ”, “của chung”, “của tin” một loạt xuất hiện.  Nếu “của chung” là của Kim – Kiều nhưng nay là của Vân nữa thì “của tin” là vật minh chứng cho tình yêu của Kim – Kiều.  Từ vật tín ước của hai người nay nó thành của ba người, thật đáng đau xót! Kiều chỉ có thể gửi Vân mối tình dở dang chứ không thể trao hết sự vẹn tròn như giữa nàng và Kim Trọng. Còn về số phận của Kiều, nàng tự cảm thấy những dự cảm bất trắc:

“Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ gió cây,

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt, khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.”

Kiều chỉ biết dặn dò em nhớ đền ơn đáp nghĩa (“Đền ghì trúc mai”) và tẩy nỗi oan khiên cho chị (“Rưới xin giọt nước”). Điều ấy chứng tỏ trong lòng Kiều, nàng vẫn dằn vặt vì phụ nghĩa chàng Kim. Tình duyên dù có cố tình vứt bỏ mà vẫn rối tơ lòng là bởi lẽ vậy.

Tám câu thơ cuối cùng chuyển sang lời độc thoại nội tâm của Thúy Kiều, xót xa khi nhớ tới tình yêu đứt gánh của mình:

Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Nàng ý thức rõ về hoàn cảnh chia lìa của mình: “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”,… và không nguôi trách bản thân đã phản lại lời hẹn ước với chàng Kim. Nàng chỉ biết tạ lỗi, gọi tên Kim Trọng. Thế mới thấy tâm hồn cao đẹp của Thúy Kiều, trong hoàn cảnh phải bán mình chuộc cha và em mà nàng xót thương cho người khác nhiều hơn cho mình: thương Thúy Vân phải chịu mối tơ thừa, day dứt khi Kim Trọng bị phụ bạc. 

Chỉ bằng một đoạn thơ ngắn nhưng tâm trạng đau đớn cùng cực của Kiều đã được diễn tả một cách rõ nét: đau vì gia đình gặp tai biến, đau vì mối tình duyên bị chia lìa. Một loạt những từ ngữ biểu cảm, thành ngữ,… được Nguyễn Du vận dụng tài tình khiến nỗi đau ấy thật sự khiến bao thế hệ đồng cảm: “Hình như ta thấy máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải đau đớn, ngậm ngùi đến đứt ruột.” (Mộng Liên Đường Chủ Nhân).

  1. Kết bài

Bằng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, Nguyễn Du đã làm nên thành công vang dội cho thi phẩm của mình. Đặc biệt với đoạn trích “Trao duyên” ta còn cảm nhận được nỗi éo le của nhân vật khi đứng giữa chữ tình và chữ hiếu. Bởi thế nên câu chuyện về nàng Kiều tài hoa nhưng bạc mệnh, câu chuyện về nàng Vân hiền dịu nhưng chịu cảnh ở lấy người mà giữa họ không có tình cảm cứ sống mãi trong lòng độc giả muôn thế hệ. 

 

Thân gửi tặng các bạn nhỏ của trung tâm tài liệu Bài văn nghị luận về đoạn trích “Trao duyên”. Hi vọng tài liệu có thể giúp đỡ thật nhiều với dạng bài này. Cùng với tài liệu này, trung tâm còn dành tặng các bạn nhiều bài văn hữu ích khác để cung cấp nguồn tư liệu phong phú cho quá trình học tập của chúng mình. Hãy cùng chia sẻ cẩm nang học tập này rộng rãi với bạn bè nhé!

 

Bình Luận Facebook

bình luận

4/5 - (1 bình chọn)

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ




Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988