Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1, Mở bài
Giới thiệu những nét cơ bản về Hồ Gươm.
2, Thân bài
a, Đặc điểm về vị trí địa lí và nguồn gốc lịch sử
– Vị trí địa lí: nằm ở trung tâm của thủ đô Hà Nội, nằm ở vị trí kết nối các tuyến đường phố cổ với các tuyến phố tây được người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỉ.
– Tên gọi:
+ Hồ Gươm còn có tên gọi khác là hồ Hoàn Kiếm, là một trong số nhiều hồ nước ngọt ở Hà Nội
+ Hồ Gươm cũng có nhiều tên gọi khác nhau như hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng và Hữu Vọng.
+ Những năm đầu thế kỉ 15, hồ chính thức mang tên gọi hồ Hoàn Kiếm, tên gọi này bắt nguồn từ truyền thuyết Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần.
b, Những đặc điểm cơ bản của Hồ Gươm
– Diện tích: 12 héc-ta
– Suốt bốn mùa nước hồ bao giờ cũng có một màu xanh biếc, mặt hồ yên ả, trầm lắng, nằm giữa phố thị tấp nập
– Xung quanh hồ Gươm có rất nhiều loài cây, là cây phượng vĩ, là những cây cổ thụ già nua, là những cành liễu soi mình xuống mặt nước…
– Dọc bờ hồ còn được trồng rất nhiều loài hoa khác nhau, mỗi loài mỗi sắc, mỗi hương nhưng tất cả đều góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của hồ Gươm.
c, Những công trình kiến trúc gắn liền với Hồ Gươm
Hồ Gươm là một quần thể di tích, nó có mối quan hệ, gắn bó với hàng loạt công trình kiến trúc, di tích khác:
– Cầu Thê Húc: cây cầu màu son, với dáng hình “cong cong như con tôm”, cây cầu này bắc trên hồ, là nơi dẫn vào ngôi đền Ngọc Sơn.
– Đền Ngọc Sơn: nó tọa lạc trên đảo Ngọc phía Bắc của hồ Gươm, và được xây dựng vào thế kỉ XIX. Đền là nơi thờ hai vị thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo.
– Tháp Rùa:
+ Tọa lạc ngay giữa trung tâm của hồ Gươm và tương truyền đây chính là nơi để Rùa thần lên nghỉ ngơi.
+ Được xây dựng vào giữa những năm 1884 và chịu ảnh hưởng sâu đậm của lối kiến trúc Pháp.
– Ngoài ra, về với hồ Gươm, chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng hàng loạt công trình kiến trúc, di tích khác như Thủy Tạ, Đài Nghiên, Tháp Bút, Tháp Hòa Phong,…
d, Ý nghĩa và vai trò của Hồ Gươm
– Hồ Gươm là một trong số những di tích lịch sử cổ kính của thủ đô, là một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách thập phương
– Hồ Gươm góp phần tôn tạo vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của mảnh đất thủ đô.
– Là một biểu tượng đẹp về thủ đô Hà Nội, về đất nước Việt Nam.
– Là nguồn cảm hứng bất tận của âm nhạc và thi ca với nhiều tác phẩm nổi tiếng
3. Kết bài
Khái quát những nét cơ bản về Hồ Gươm và cảm nhận của bản thân.
1, Mở bài
Là thủ đô của đất nước, Hà Nội được biết đến là một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng của nước ta với nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử từ ngàn đời, thu hút khách du lịch trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như du khách quốc tế. Và Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) là một trong số những danh lam thắng cảnh đó.
2, Thân bài
Hồ Gươm còn có tên gọi khác là hồ Hoàn Kiếm, là một trong số nhiều hồ nước ngọt ở Hà Nội. Hồ Gươm nằm ở trung tâm của thủ đô Hà Nội, nằm ở vị trí kết nối các tuyến đường phố cổ với các tuyến phố tây được người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỉ. Trải qua từng thời kì phát triển, biến đổi của lịch sử, hồ Gươm cũng có nhiều tên gọi khác nhau gắn với những đặc điểm riêng như hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Cho đến những năm đầu thế kỉ 15, hồ chính thức mang tên gọi hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Gươm) như ngày nay. Tên gọi này của hồ bắt nguồn từ truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần ngay trên hồ nước này sau khi đánh tan quân xâm lược. Tên của hồ nước này còn được lấy để đặt tên cho một quận của thủ đô Hà Nội – quận Hoàn Kiếm và đây cũng là hồ nước ngọt duy nhất của quận này.
Hồ Gươm có tổng diện tích là 12 héc-ta, là một trong số những hồ nước ngọt lớn của Hà Nội. Điểm đặc biệt và thú vị của hồ Gươm chính là suốt bốn mùa nước hồ bao giờ cũng có một màu xanh biếc, mặt hồ yên ả, trầm lắng, nằm giữa phố thị tấp nập của thủ đô. Giữa hồ, có một gò đất nổi lên, người ta xây dựng trên đó một tòa tháp với tên gọi là Tháp Rùa. Dường như, Tháp Rùa đã làm tăng thêm vẻ trầm mặc, cổ kính và lâu đời cho hồ Gươm. Thêm vào đó, xung quanh hồ Gươm có rất nhiều loài cây, là cây phượng vĩ, là những cây cổ thụ già nua, là những cành liễu soi mình xuống mặt nước… Tất cả những cảnh vật ấy điểm tô cho hồ Gươm, mỗi mùa mang một dáng điệu, một vẻ đẹp riêng. Không dừng lại ở đó, dọc bờ hồ còn được trồng rất nhiều loài hoa khác nhau, mỗi loài mỗi sắc, mỗi hương nhưng tất cả đều góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của hồ Gươm.
Không giống như những hồ nước khác, hồ Gươm là một quần thể di tích, nó có mối quan hệ, gắn bó với hàng loạt công trình kiến trúc, di tích khác như Á Nam Trần Tuấn Khải đã từng viết:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Quả đúng như bài thơ đã viết, hồ Gươm nằm trong quần thể di tích với cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút và nhiều công trình kiến trúc khác. Gắn bó gần gũi với hồ Gươm trước hơn hết đó chính là cầu Thê Húc. Đây là một cây cầu màu son, với dáng hình “cong cong như con tôm”, cây cầu này bắc trên hồ, là nơi dẫn vào ngôi đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn nằm ở phía Bắc của hồ Gươm, nó tọa lạc trên đảo Ngọc và được xây dựng vào thế kỉ XIX. Đền là nơi thờ hai vị thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, khi nhắc tới hồ Gươm, chúng ta không thể nào không nhắc tới tháp Rùa. Tháp Rùa tọa lạc ngay giữa trung tâm của hồ Gươm và tương truyền đây chính là nơi để Rùa thần lên nghỉ ngơi. Tháp được xây dựng vào giữa những năm 1884 và chịu ảnh hưởng sâu đậm của lối kiến trúc Pháp. Đồng thời, nơi đây đã trở thành một phần hài hòa, ăn nhập với toàn cảnh bố cục của hồ Gươm và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Ngoài ra, về với hồ Gươm, chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng hàng loạt công trình kiến trúc, di tích khác như Thủy Tạ, Đài Nghiên, Tháp Bút, Tháp Hòa Phong,…
Trải qua nhiều thời kì phát triển với sự đổi thay của đất nước song cho đến ngày nay, hồ Gươm vẫn còn giữ nguyên những vẻ đẹp và giá trị, ý nghĩa sâu sắc của nó. Hồ Gươm là một trong số những di tích lịch sử cổ kính của thủ đô, là một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách thập phương. Hồ Gươm như đã hòa mình vào nhịp điệu, vào sự phát triển của thủ đô phồn hoa để giữ gìn và tôn tạo vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của mảnh đất này. Hồ Gươm đã và đang trở thành một biểu tượng đẹp về thủ đô Hà Nội, về đất nước Việt Nam. Cùng với đó, hồ Gươm còn là nguồn cảm hứng bất tận của âm nhạc và thi ca với nhiều tác phẩm nổi tiếng như bài thơ “Nghiên Bút non sông” của Á Nam Trần Tuấn Khải, “Hà Nội” của Nguyễn Khuyến, “Người Hà Nội”, “Chiều hồ Gươm”,…
3, Kết bài
Hồ Gươm là một địa danh nổi tiếng, là nơi hội tụ “khí thiêng của trời đất và lòng người”. Dẫu thời gian có trôi đi, mọi thứ có đổi thay, song hồ Gươm vẫn mãi luôn là biểu tượng đẹp của thủ đô, của đất nước và là niềm tự hào, kiêu hãnh con người Việt Nam.
Trên đây là bài viết “Thuyết minh về hồ Gươm” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Trung tâm hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ cho các em trong quá trình học tập về văn thuyết minh song các em không nên sao chép chúng vào bài viết của mình. Nếu thấy bài viết độc đáo, các nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em thật nhiều!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm