slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

NGHỊ LUẬN VỀ BÀI THƠ VIẾNG LĂNG BÁC

 

  • Dàn ý nghị luận bài thơ Viếng lăng Bác
  • Mở bài

 

Giới thiệu chung về vấn đề cần nghị luận: bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

 

  • Thân bài
  • Hoàn cảnh sáng tác

 

  • Tác giả: Viễn Phương là nhà thơ tiêu biểu miền Nam.
  • Tác phẩm: tháng 4 năm 1976, một năm sau khi đất nước được giải phóng. Nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm lăng Bác khi lăng vừa khánh thành.
  • Nội dung: thể hiện lòng thành kính, biết ơn cùng nỗi xúc động vô vàn của một người con đối với Bác Hồ trên đường vào lăng viếng.

 

  • Khổ 1: Cảm xúc trước lăng Bác.

 

  • Câu tự sự mở đầu: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
  • Cách xưng hô: “con – Bác” => Đậm chất Nam Bộ.

=> Thể hiện sự gần gũi, thân thương đối với Bác.

  • Dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng”: nói giảm nói tránh, giảm sự chua xót đau thương về sự thật Bác không còn nữa. => Con ở miền Nam xa xôi ra thăm Bác, nước nhà đã thống nhất mà Bác không còn nữa
  • Hình ảnh hàng tre quanh lăng: Là hình ảnh đầu tiên tác giả thấy được; vừa là hình ảnh tả thực, vừa là hình ảnh biểu tượng.
  • Ý nghĩa tả thực: miêu tả hàng tre có thật quanh lăng Bác.
  • Ý nghĩa biểu tượng: cây tre là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, đại diện cho dân tộc Việt Nam. Bác yên nghỉ như về với đất mẹ, về với điệu hồn dân tộc, về với dân tình làng cảnh Việt Nam.
  • Thành ngữ “Bão táp mưa sa”: ẩn dụ chỉ những khó khăn, vất vả. Nhưng dù có gian nan bao nhiêu thì tre vẫn đứng thẳng hàng.

=> Khẳng định tinh thần hiên ngang, sức sống mạnh mẽ, kiên cường của dân ta.

 

  • Khổ 2: Sự thương nhớ khi đứng trước lăng.

 

*Hai câu thơ đầu: Cặp hình ảnh sóng đôi:

  • Mặt trời thứ nhất: mặt trời tự nhiên
  • Mặt trời thứ hai: hình ảnh ẩn dụ chỉ Người.

=> Ý nghĩa:

  • Khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của Bác như mặt trời tự nhiên.
  • Bác như ánh mặt trời soi rọi đường đi, mang lại nguồn sáng, độc lập, tự do cho dân tộc.

*Hai câu thơ sau: 

  • Hình ảnh “dòng người”: thể hiện lòng kính cẩn của người dân với Bác, ngày nào cũng có người tới thăm Bác với lòng tiếc thương vô hạn.
  • Kết hợp với điệp cấu trúc “Ngày ngày…”: nhấn mạnh sự tuần hoàn.
  • Hình ảnh “tràng hoa”: thể hiện lòng biết ơn với người cha già.
  • Hình ảnh hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân”: chỉ số tuổi của Bác => cuộc đời Bác tận hiến cho dân tộc.

 

  • Cảm xúc khi viếng lăng, nhìn thấy Bác

 

  • Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền”: liên tưởng từ ánh sáng dịu nhẹ ở trong lăng.
  • Nhớ tới hình ảnh trăng xuất hiện dày đặc trong thơ Bác => nhắc nhớ lại tâm hồn thanh cao của Người.
  • Gợi lên niềm xúc động, bồi hồi với tâm hồn Bác: vừa vĩ đại thanh cao vừa giản dị gần gũi.
  • Hình ảnh “trời xanh”: hình ảnh ẩn dụ khẳng định sự trường tồn của Bác, Bác sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.
  • Cảm xúc “Nghe nhói ở trong tim”: sự quặn thắt, xúc động của tác giả khi đứng trước di hài lãnh tụ dân tộc.

=> Sự rung cảm sâu sắc, chân thành của nhà thơ.

  1. Khổ 4: Cảm xúc khi về miền Nam
  • Hình ảnh “thương trào nước mắt”: bộc lộ nỗi xót xa bị kìm nén cuối cùng đã tuôn thành dòng lệ.
  • Điệp ngữ “Muốn làm”: thể hiện khao khát hoá thân của nhà thơ để đền đáp một phần công ơn của Người.

=> Sự quyến luyến không nỡ rời xa Bác.

  1. Kết bài
  • Khẳng định vẻ đẹp bài thơ.
  • Bày tỏ cảm xúc của bản thân.
  1. Bài văn nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác

 

  • Mở bài

 

Bác ra đi khi miền Nam còn chưa giành được độc lập. Trước khi nhắm mắt, Người vẫn canh cánh nỗi lòng ấy. Tình cảm giữa Bác và miền Nam này cũng đã từng được Tố Hữu nhắc đến:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam thương Bác, nỗi thương cha!”

(Bác ơi)

Viễn Phương là một người con miền Nam và cũng mang trong mình thứ tình cảm sâu nặng ấy. Ông đã chuyển chúng lên trang thơ của mình với nhan đề “Viếng lăng Bác”. Bài thơ là niềm xúc động chân thành của một tấm lòng thành kính, yêu thương với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.

 2.Thân bài

Viễn Phương là nhà thơ tiêu biểu miền Nam. Sau ngày Bác mất, “Viếng lăng Bác” là một trong những bài thơ xúc động nhất viết về Bác. Tác phẩm được sáng tác vào tháng 4 năm 1976, một năm sau khi đất nước được giải phóng. Nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm lăng Bác khi lăng vừa khánh thành. Trong không khí ấy, bài thơ thể hiện lòng thành kính, biết ơn cùng nỗi xúc động vô vàn của một người con đối với Bác Hồ trên đường vào lăng viếng. Từng câu thơ tám chữ lật dở ra cả một nỗi lòng chua xót…

Khổ thơ đầu tiên là trang cảm xúc khi nhà thơ ngắm nhìn khung cảnh ngoài lăng Bác:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”

Câu tự sự mở đầu bằng cách dùng đại từ xưng hô “con – Bác” mang đậm chất Nam Bộ. Lời giới thiệu, thông báo hết sức tự nhiên mà chân thành. Câu thơ thể hiện sự gần gũi, thân thương đối với Bác. Dù cho đó là vị lãnh tụ vang danh năm châu thì dường như không hề có khoảng cách nào giữa Người và con dân của mình. Viễn Phương dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng” nhằm nói giảm nói tránh, giảm sự chua xót đau thương về sự thật Bác không còn nữa. Những người con đất Việt vẫn tới “thăm” Bác, ngỡ như Người vẫn đang còn sống với dân tộc! Con ở miền Nam xa xôi ra thăm Bác, nước nhà đã thống nhất mà Bác không còn nữa. Nỗi chua xót nào có thể hơn thế nữa? Hình ảnh hàng tre quanh lăng trong câu thơ tiếp theo là hình ảnh đầu tiên tác giả thấy được khi viếng lăng. Khung cảnh tre bát ngát dần hiện ra. Đây vừa là hình ảnh tả thực, vừa là hình ảnh biểu tượng. Không chỉ để miêu tả hàng tre thực có quanh lăng Bác mà Viễn Phương còn nhằm khái quát lên ý nghĩa biểu tượng: cây tre là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, đại diện cho dân tộc Việt Nam. Bác yên nghỉ như về với đất mẹ, về với điệu hồn dân tộc, về với dân tình làng cảnh Việt Nam:

“Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”

(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)

Hàng tre trung thành vẫn hiên ngang đứng đó, canh giữ giấc ngủ nghìn thu cho Người. Thành ngữ “Bão táp mưa sa” là ẩn dụ chỉ những khó khăn, vất vả. Nhưng dù có gian nan bao nhiêu thì tre vẫn đứng thẳng hàng như những người gác lăng thực thụ. Tre đã, đang và sẽ mãi là đại diện cho tinh thần hiên ngang, sức sống mạnh mẽ, kiên cường của dân ta. Khúc dạo đầu được mở ra bằng khúc nhạc tre ngân mãi, vang mãi,…

Khổ thơ thứ hai mở ra sự thương nhớ của tác giả khi đứng trước lăng. Mặt trời là hình ảnh quen thuộc trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Đó là “Mặt trời chân lí chói qua tim” của Tố Hữu, là “Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng” của Nguyễn Khoa Điềm và là cả cặp mặt trời sóng đôi trong thơ của Viễn Phương:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

Mặt trời thứ nhất đầu tiên là mặt trời tự nhiên, mặt trời của thiên hà vũ trụ. Mặt trời thứ hai là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Mặt trời thiên nhiên vĩnh hằng bao nhiêu thì mặt trời trong lăng lộng lẫy, “rất đỏ” bấy nhiêu. Tư tưởng cách mạng, lòng yêu nước của Bác cũng sáng loà như ánh thái dương kia vậy. Hai câu thơ đã khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của Bác như mặt trời tự nhiên. Bác như ánh mặt trời soi rọi đường đi, mang lại nguồn sáng, độc lập, tự do cho dân tộc…Hình ảnh “dòng người” ở câu thơ sau thể hiện lòng kính cẩn của người dân với Bác, ngày nào cũng có người tới thăm Bác với lòng tiếc thương vô hạn. Hình ảnh đó lại kết hợp với điệp cấu trúc “Ngày ngày…” giúp nhấn mạnh sự tuần hoàn, trạng thái liên tục của đoàn người hướng về Ba Đình lịch sử. Chính dòng người đó cùng nhau kết thành một “tràng hoa” thơm, dâng lên lòng biết ơn với người cha già. Đó còn là tràng hoa của những thành công trong lao động sản xuất, trong cuộc sống thường ngày của một năm sau ngày hoà bình lập lại muốn Bác thấy. Khép lại khổ thơ là biện pháp hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân”, chỉ số tuổi của Bác. Cả cuộc đời Bác tận hiến cho dân tộc, Bác dùng tuổi xuân của mình để tạc nên mùa xuân dân tộc. 

Cảm xúc của Viễn Phương lên đến cao trào khi viếng lăng, nhìn thấy Bác:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Bác đã ra đi mãi nhưng tác giả tưởng như Bác chỉ ngủ một giấc ngủ dài, như bao đêm chiến trận Bác cũng từng ngả lưng như vậy:

“Việc quân, việc nước bàn xong,

Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm.”

Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” được tác giả liên tưởng từ chính ánh sáng dịu nhẹ ở trong lăng. Những bóng đèn neon mờ nhẹ tạo cảm giác như Bác đang nằm dưới ánh trăng hiền hoà. Điều này còn giúp ta nhớ đến hình ảnh trăng xuất hiện dày đặc trong thơ Bác, nhắc nhớ ta lại tâm hồn thanh cao của Người. Đến đây, hẳn ai cũng xúc động bồi hồi trước tâm hồn của người cha già: vừa vĩ đại thanh cao vừa giản dị gần gũi. Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” khẳng định sự trường tồn của Bác, Bác sẽ sống mãi với non sông Việt Nam như bầu trời tồn tại vĩnh hằng trong vũ trụ. Viễn Phương đã bộc lộ rõ cảm xúc của mình: “Nghe nhói ở trong tim”. Đó là sự quặn thắt, xúc động của tác giả khi đứng trước di hài lãnh tụ dân tộc. Sự rung cảm ấy không chỉ là sự rung cảm của mình nhà thơ mà còn là sự rung cảm của muôn triệu trái tim đất Việt trước nỗi mất mát quá lớn này. Bác đã ra đi, đó là một nỗi đau không gì bù đắp được.

Nếu như nỗi đau ở trên chỉ âm ỉ, “nhói ở trong tim” thì khổ cuối, cảm xúc chia tay Bác đã thành giọt lệ tràn li: 

“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Ở tột cùng của cảm xúc ấy, nhà thơ lại muốn lưu lại bên Bác, được thể hiện bằng khao khát hoá thân qua điệp ngữ “Muốn làm”: muốn hoá cánh chim dâng âm thanh cho Người, muốn hoá đoá hoa dâng hương thơm ngào ngạt, hoà thành cây tre trung hiếu canh giữ ngàn năm cho giấc ngủ Người bình yên. Hình ảnh tre ở khổ cuối bài thơ đến đây đã nâng thêm một tầm cao nữa: Viễn Phương hoá mình vào cây tre, nguyện đi theo lí tưởng cách mạng Bác đã để lại cho dân tộc. Ý thơ sâu lắng, lưu luyến, ngân vang mãi trong lòng mỗi người con dân tộc.

  1. Kết bài

Bốn khổ thơ đã khép lại nhưng tứ thơ vẫn mãi mở ra, như tấm lòng Viễn Phương và toàn thể dân tộc ta cứ mãi hướng về Bác Hồ. Bài thơ “Viếng lăng Bác” thực sự là bản đàn hay gửi tới Người sự kính trọng, mến yêu:

“Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”

(Sáng tháng năm_ Tố Hữu)

 

Mời các bạn đọc tài liệu Bài văn nghị luận về bài thơ “Viếng lăng Bác” trung tâm đã biên soạn. Mong rằng sẽ giúp các bạn nhỏ định hướng được cách làm bài. Mời các bạn và quý phụ huynh cùng tham khảo miễn phí kho tài liệu của trung tâm. Cảm ơn các bạn đã luôn ủng hộ trung tâm!

 

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988