slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Văn Mẫu và Dàn Ý Nghị Luận Về Bài Thơ Sang Thu 2024

Bài viết hướng dẫn cách lập dàn ý nghị luận về bài Thơ Sang Thu và một bài văn mẫu của em học sinh giỏi năm 2020 về nghị luận bài thơ Sang Thu hay nhất. Để có phương pháp học Văn tốt và cách cảm thủ Văn Học thông minh, các em có thể tìm gia sư Văn giỏi dạy kèm tại nhà. 

I. Dàn Ý Nghị Luận Bài Thơ Sang Thu

1. Mở bài nghị luận Sang Thu

– Giới thiệu khái quát về bài thơ Sang thu và tác giả Hữu Thỉnh.

Văn Mẫu và Dàn Ý Nghị Luận Về Bài Thơ Sang Thu

2, Thân bài 

a, Khái quát bài thơ

– Sang thu được viết năm 1977, lần đầu được in trên báo văn nghệ và xuất hiện liên tục trên các tập thơ khác nhau.

– Bài thơ là dòng chảy cảm xúc tinh tế, nhẹ nhàng của nhà thơ Hữu Thỉnh trước sự chuyển biến của đất trời khoảnh khắc từ hạ sang thu.

b, Khổ 1: Cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh trước tín hiệu sang thu: gió se

– Nhà thơ đã có những cảm nhận hết sức tinh tế về tín hiệu mùa thu với không gian gần bằng sự nhạy bén của nhiều giác quan:

     + Khứu giác: hương ổi chín lan tỏa trong không gian.

     + Xúc giác: từng đợt gió se lạnh đầu mùa.

     + Thị giác: sương đầu mùa nhẹ nhàng buông trùm lên mọi cảnh vật, chuyển động nhè nhẹ từng ngõ ngách xóm làng.

– Từ “bỗng”: diễn tả sự ngạc nhiên, bất ngờ của nhà thơ trước những tín hiệu thu về.

– Động từ “phả”: diễn tả sự mạnh mẽ của hương ổi chín hòa nhập vào không khí,thể hiện sự đột ngột của hành động xâm chiếm.

→ Hương ổi lan tỏa trong không gian, hòa vào gió se lạnh.

– Hình ảnh nhân hóa: “Sương chùng chình” => Gợi lên hình ảnh sương như muốn chậm lại, bước đi thời gian vì thế mà trở nên chậm rãi, nhẹ nhàng.

– Hữu Thỉnh phải thật sự yêu mùa thu, yêu làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ mới có thể có những phát hiện nhảy cảm và sâu sắc đến vậy.

c, Khổ 2: Cảm nhận những chuyển biến tinh tế của trời đất khi từ hạ sang thu

– Từ việc cảm nhận bằng các giác quan, cảm xúc của tác giả tới đây đã thực sự hòa trộn vào với vạn vật.

– Từng sự vật ở thời điểm giao mùa như cũng có ý thức chuyển đổi:

     + Sông: “dềnh dàng

     + Chim: “vội vã

     +Mây: “vắt nửa mình sang thu”

→ Không gian mở rộng từ gần đến xa, từ thấp lên cao.

→ Các từ “chùng chình”, “dềnh dàng”, “vội vã”, “vắt nửa mình” xuất hiện ở hai khổ thơ đầu vốn là các từ gắn với trạng thái, tính chất của con người nay lại được nhà thơ dùng để tả thiên nhiên nên mọi sự vật bỗng chốc trở nên rực rỡ, có hồn, tâm tình của người.

– “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”: hai câu thơ đặc sắc tả cảnh, nhưng lại ngụ ý nói lên tâm trạng của nhà thơ: vừa xao xuyến, luyến tiếc mùa hạ nóng bỏng lại vừa bâng khuâng, mong ước mùa thu lãnh đạm.

d, Khổ 3: Những chiêm nghiệm, tâm tư của nhà thơ Hữu Thỉnh

– Thiên nhiên từ khổ 1 dần nhường chỗ cho mạch cảm xúc và bùng lên cao trào ở khổ cuối bài thơ.

– Hình ảnh: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa”: Các tính từ chỉ mức độ “vẫn còn”, “vơi dần”: hè đã nhẹ dần, thu đã bắt đầu đậm nét hơn trong cảnh thiên nhiên.

– Hình ảnh “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”: 

     + Hình ảnh nhân hóa: “Sấm cũng bớt bất ngờ

     + Vừa tả thực vừa hàm ý về con người (nghĩa ẩn dụ): những chông gai, khó khăn hay những tác động của ngoại cảnh sẽ không còn khiến lòng người nao núng khi họ đã trải qua đủ bản lĩnh, có thử thách vững vàng hơn.

→ Triết lí nhân sinh sâu sắc.

3, Kết bài

Khẳng định lại giá trị đặc sắc của bài thơ:

– Nội dung: Sang thu là bài thơ hay thể hiện những rung động tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trong khoảnh khắc trời đất giao mùa bằng những phát hiện lí thú về cảnh vật. Qua đó, ông thể hiện rõ những chiêm nghiệm sống của mình về con người và cuộc đời.

– Nghệ thuật: nhiều hình ảnh nhân hóa, tính từ gợi trạng thái, hình ảnh tả thực, hình ảnh ẩn dụ tạo chiều sâu cho tác phẩm.

II. Bài Văn Nghị Luận Về Bài Thơ Sang Thu

1. Mở bài

     Người ta thường nói mùa thu là mùa của xúc cảm, của nỗi lòng và của những chiêm nghiệm thầm kín. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mùa thu xuất hiện nhiều đến thế trên các trang thơ từ cụ Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu nổi tiếng đến Xuân Diệu với “Đây mùa thu tới” và nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có luôn bài thơ Sang thu của mình. Nhưng Hữu Thỉnh không chọn cách ưu tư với những cảnh vật của mùa thu mà ông lại rung động trước khoảnh khắc giao mùa. Có lẽ rằng khi ấy tâm hồn ta mới được đồng điệu trong sự chuyên biến kì diệu của đất trời bằng những lời thì thầm ngọt ngào của vạn vật.

     Bài thơ được sáng tác vào năm 1977, lần đầu được in trên báo văn nghệ và xuất hiện liên tục trên các tập thơ khác nhau bởi sự độc đáo của nó. Cả bài thơ là khúc ca giao mùa với những nốt thăng trầm chính là nhịp cảm xúc tinh tế, nhẹ nhàng của nhà thơ Hữu thỉnh trước bước đi của mùa đẹp: bước đi từ hạ sang thu. Nhà Thơ đã lột tả trọn vẹn cái trầm ngâm của thu, cái rực rỡ của hạ buổi sắp tàn đang chuyển giao cho nhau một cách mượt mà, đằm thắm.

     Mỗi khổ thơ lại là một nét êm đềm của vạn vật trong những ngày đầu thu. Trước hết ở khổ thơ thứ nhất chính là cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh trước tín hiệu sang thu: gió se:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

     Từ “bỗng” khai phá ngòi bút thơ , diễn tả sự ngạc nhiên, bất ngờ của nhà thơ khi phát hiện ra những tín hiệu thu về. Cảm giác thích thú ấy đã đánh thức mọi giác quan của một con người để ôm trọn hết dấu hiệu của không gian vào lòng. Đó là khứu giác nhạy bén khi nhận ra hương ổi chín vàng lan tỏa đâu đây, là xúc giác lành lạnh biết rằng gió mùa đã về rồi, là cả thị giác bao trùm lên những áng sương đầu mùa nhẹ nhàng đang quẩn quanh mọi cảnh vật, len lỏi từng ngõ ngách xóm làng. Thu về, Hữu Thỉnh không chọn lá vàng rơi hay hoa sữa nồng nàn mà chọn những biểu hiện gần gũi, cụ thể nhất của dân tình làng cảnh Việt Nam. Bất giác, ai đọc đến cũng thấy nao lòng, man mác một nỗi bồi hồi quê hương. Động từ “phải” xuất hiện như một nét vẽ mạnh diễn tả sự mạnh mẽ của hương ổi chín hòa nhập vào không khí, thể hiện sự đột ngột của hành động xâm chiếm mùi hương. Mùa thu vốn là mùa của trái bưởi chín mọng, của hoa cúc vàng rộ và của chùm ổi vàng như sắc thu. Mùi hương đặc biệt ấy lan toả trong không gian, hoà vào làn gió se lạnh. Và thật đặc biệt, cùng với điệu tâm hồn tác giả, chúng kết tinh thành vẻ đẹp muôn đời của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh nhân hóa: “Sương chùng chình” gợi lên hình ảnh sương như muốn chậm lại, bước đi thời gian vì thế mà trở nên chậm rãi, nhẹ nhàng. Sương dường như vẫn đang giăng mắc ở đâu đó: trên cảnh ổi, dưới gốc đa, bên ao làng và cả trong lòng người nữa. Tình thái từ “Hình như” mang cảm giác ngờ ngợ của tác giả: con người ấy có lẽ vẫn không dám chắc rằng liệu mùa thu đã đến hay chưa? Hữu Thỉnh phải thật sự yêu mùa thu, yêu làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ mới có thể có những phát hiện nhảy cảm và sâu sắc đến vậy. Khúc dạo đầu cho bài ca mùa thu đầy cung bậc cảm xúc lại mở ra cho chúng ta những điệu ngân mùa mới…

     Khổ thơ tiếp theo đánh dấu sự chuyển biến tinh tế của trời đất khi từ hạ sang thu. Cảm xúc cũng vì thế mà mở rộng ra khắp bốn phương, không còn trói buộc trong “ngõ” nhỏ làng quê. Từ việc cảm nhận bằng các giác quan ở khổ trên, cảm xúc của tác giả tới đây đã thực sự hòa trộn vào với vạn vật:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

     Vạn vật dường như đều ở trạng thái “lưng chừng” khoảnh khắc chuyển giao ấy. Sự vật ở thời điểm giao mùa như cũng có ý thức chuyển đổi: Sông trở nên “dềnh dàng”, chim thì “vội vã”, đám mây “vắt nửa mình sang thu”. Cảnh thực ý lòng! Trong bối cảnh bài thơ ra đời, đất nước ta vừa trải qua những đêm trường bom đạn, sự chảy trôi chậm chạp của thiên nhiên phải chăng là do cái nhìn đầy xúc cảm, bồi hồi của con người sống trong thời đại mới tác động? Không gian ở đây mở rộng từ gần đến xa, từ thấp lên cao. Dưới có dòng sông lững lờ đưa nước, trên có cánh chim vội về tổ. Sự thanh bình, êm ả ấy khiến lòng người cũng bỗng chốc trở nên êm dịu. Các từ “chùng chình”, “dềnh dàng”, “vội vã”, “vắt nửa mình” xuất hiện ở hai khổ thơ đầu vốn là các từ gắn với trạng thái, tính chất của con người nay lại được nhà thơ dùng để tả thiên nhiên nên mọi sự vật bỗng chốc trở nên rực rỡ, có hồn, tâm tình của người. Cái tài tinh tế của ngòi bút Hữu Thỉnh là ở đấy!

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

     Cái bỡ ngỡ ban đầu chợt nhoà đi, nhường chỗ cho những phát hiện mãnh liệt trước cảnh thu mới mẻ. Hai câu thơ đặc sắc tả cảnh, nhưng lại ngụ ý nói lên tâm trạng của nhà thơ: vừa xao xuyến, luyến tiếc mùa hạ nóng bỏng lại vừa bâng khuâng, mong ước mùa thu lãnh đạm. Đám mây của tạo hoá mà lại như dải lụa mỏng vắt nửa bên hạ, nửa bên thu, chấp chới giữa lằn ranh vô hình của thời gian. Nhịp thơ như dài ra, như lỡ làng, như lưng chừng bỏ lỡ điều gì ở câu thơ cuối khổ…

     Kết lại khúc giao mùa là những chiêm nghiệm, tâm tư của nhà thơ Hữu Thỉnh. Một thoáng suy tư của người trước cảnh hiện dần qua từng câu chữ. Thiên nhiên từ khổ đầu dần nhường chỗ cho mạch cảm xúc và bùng lên cao trào ở khổ cuối bài thơ:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

     Vẫn là nắng, mưa, sấm của hè vội vã mà sao tất cả đều đã thay đổi ít nhiều? Các tính từ chỉ mức độ “vẫn còn”, “vơi dần” làm rõ thêm sự thật: hè đã nhẹ dần, thu đã bắt đầu đậm nét hơn trong cảnh thiên nhiên. Thu đã đến, vạn vật cũng quen dần với vòng xoay mới, cũng “bớt bất ngờ” với những điều lạ lẫm trước mắt. Mùa thu dường như là mùa khép lại những nồng nhiệt, táo bạo của hè nắng, của tuổi trẻ đầy sắc hương và mở ra những điều trầm lắng, thanh nhàn của những suy nghĩ cuối đời người. Hình ảnh nhân hoá ở hai câu cuối vừa tả thực vừa hàm ý về con người (nghĩa ẩn dụ): những chông gai, khó khăn hay những tác động của ngoại cảnh sẽ không còn khiến lòng người nao núng khi họ đã trải qua đủ bản lĩnh, có thử thách vững vàng hơn. Chính mặt tạo nghĩa đó đã khoác cho bài thơ một vẻ đẹp của triết lí nhân sinh sâu sắc, khẳng định tài năng của nhà thơ Hữu Thỉnh.

     Sang thu quả thực là bài thơ hay thể hiện những rung động tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trong khoảnh khắc trời đất giao mùa bằng những phát hiện lí thú về cảnh vật. Qua đó, ông thể hiện rõ những chiêm nghiệm sống của mình về con người và cuộc đời. Mùa thu nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện lên thật có hồn! Tài năng nghệ thuật của ông cũng được khẳng định khi sử dụng nhiều hình ảnh nhân hóa, tính từ gợi trạng thái, hình ảnh tả thực, hình ảnh ẩn dụ tạo chiều sâu cho tác phẩm. Dấu ấn riêng của Hữu Thỉnh đậm rõ trong bài Sang thu, và cứ mãi trường tồn trong nền văn học Việt. Tình yêu thiên nhiên, yêu đời vẫn còn đây…

     Thu muôn đời vẫn còn đó nhưng lòng người ắt hẳn sẽ đổi thay theo năm tháng. Người ta phải sống sao, sống thế nào để đến thu đời sau không hối tiếc vẫn là một câu hỏi lớn… Tôi luyện và cố gắng thiết nghĩ là điều trước hết phải thực hiện, để “bớt bất ngờ” trước giông bão ngoài kia.

 

Mời các bạn đọc tài liệu Bài văn nghị luận về Sang thu hay nhất trung tâm đã biên soạn. Kho tài liệu của trung tâm còn rất phong phú và đa dạng cho chúng mình tham khảo. Mời các bạn và quý phụ huynh cùng tham khảo miễn phí các bài văn hay nhất. Hãy chia sẻ để ủng hộ cho trung tâm đưa ra nhiều sản phẩm giáo dục hữu ích cho chúng mình!

 

Từ khóa tìm kiếm nhiều : 

dàn ý sang thu

dàn ý bài thơ sang thu

dàn ý bài sang thu

dàn ý nghị luận bài thơ Sang Thu

dàn ý nghị luận Sang Thu

dàn ý nghị luận bài Sang Thu

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988