slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Dàn Ý Tây Tiến, Bài Phân Tích Tây Tiến Của HSG Lớp 12

Bài viết chia hướng dẫn cách lập dàn ý bài Tây Tiến và bài văn mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Các em học sinh có thể tham khảo để học và làm bài tập được hiệu quả hơn.

I. Dàn Ý Tây Tiến – Quang Dũng

Dàn Ý Tây Tiến và Bài Văn Phân Tích Bài Thơ Tây Tiến Lớp 12

1. Mở bài phân tích Tây Tiến

– Giới thiệu về tác giả Quang Dũng và đặc điểm thơ của ông: nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp với một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, tài hoa, lãng mạn và luôn thiết tha với quê hương, đất nước

– Giới thiệu khái quát về bài thơ Tây Tiến: ra đời năm 1948 tại Phù Lưu Chanh là một trong những bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung

2. Thân bài

a. Nỗi nhớ – mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ

“nhớ chơi vơi”: một nỗi nhớ vô hình vô định, lửng lơ giữa tầng không nhưng có sức ám ảnh đối với lòng người, làm cho lòng người trở nên hoang mang, day dứt như mất đi điểm tựa

=> Trong nỗi nhớ ấy, hình ảnh về thiên nhiên và người lính Tây Tiến ùa về

b. Đoạn 1: Bức tranh thiên nhiên Tây Tiến

– Bức tranh thiên nhiên dữ dội, hiểm nguy, hoang sơ

     + Sương lấp

     + Dốc khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

     + Heo hút cồn mây

     + Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

     + Thác gầm thét

     + Cọp trêu người

– Bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình:

     + Hoa về trong đêm hơi

     + Mưa xa khơi

– Hình ảnh người lính Tây Tiến với những nét vẽ đơn sơ:

     + Súng ngửi trời: nét tinh nghịch, tếu táo, đậm chất lính

     + Gục lên súng mũ bỏ quên đời: cách nhìn đơn giản, nhẹ nhàng của những người lính Tây Tiến về cái chết

c. Đoạn 2: Đêm hội liên hoan và bức tranh Châu Mộc chiều sương

– Không gian hội hè trong đêm liên hoan ấm áp tình quân dân và chan chứa kỉ niệm:

     + Em xiêm áo, nàng e ấp: Hình ảnh những cô gái lào ê ấp, xinh đẹp trong trang phục của dân tộc mình

     + Bừng: ánh sáng của những bó đuốc

     + Khèn lên mạn điệu: âm thanh dạt dào, du dương của tiếng đàn

– Bức tranh Châu Mộc chiều sương: sử dụng các từ để hỏi “có thấy”, “có nhớ” để gợi về trong tâm trí những hình ảnh trong buổi chiều sương ấy

     + Hồn lau nẻo bến bờ

     + Dáng người trên độc mộc

     + Dòng nước lũ hoa đong đưa

=> Bức tranh Châu Mộc chiều sương thật thơ mộng, hư ảo, duyên dáng, tình tứ, tất cả mọi cảnh vật dường như không còn vô tri vô giác nữa mà có điệu hồn của riêng mình.

d. Đoạn 3: Hình ảnh những người lính Tây Tiến

– Hiên ngang, lẫm liệt, ngang tàn và cứng cỏi

     + Không mọc tóc: họ không cần, không thèm mọc tóc – một cách nói đầy chủ động

     + Giữ oai hùm

– Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

– Cái chết bi tráng:

     + Cách nói giảm nói tránh “rải rác”, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”: làm giảm đi sự đau thương và nhấn mạnh, làm nổi bật tinh thần quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

    + Áo  bào thay chiếu: sang trọng, lí tưởng hóa cái chết

    + Về đất: về với đất mẹ yêu thương, bởi trọn cả cuộc đời mình các anh đã sống thật ý nghĩa và hi sinh cho quê hương, cho Tổ quốc

   + Sông Mã gầm lên khúc độc hành: cả thiên nhiên tiễn đưa những người lính, cái chết lớn cần sự tiễn đưa lớn

e. Đoạn còn lại: lời thề son sắt với Tây Tiến

– Mùa xuân ấy:

     + Mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời

     + Mùa xuân năm 1947 – mùa xuân của quê hương, đất nước

     + Tuổi trẻ, thanh xuân của những người lính Tây Tiến

– Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi: lời thề của những người lính Tây Tiến – lời thề sẽ luôn nhớ, luôn khắc ghi những ngày tháng đẹp nhất của đoàn quân Tây Tiến – một đoàn quân đã đi vào lịch sử của dân tộc như một chứng tích không thể nào quên.

3. Kết bài

– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: bài thơ Tây Tiến đã khắc họa thành công hình tượng những người lính Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên miền Tây vừa hiểm nguy, dữ dội vừa kì vĩ, thơ mộng.

– Qua bài thơ cho ta thấy ngòi bút tài hoa và tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, đa tình của Quang Dũng.

II. Bài Viết Phân Tích Bài Thơ Tây Tiến

Bài Viết Phân Tích Bài Thơ Tây Tiến

1. Mở bài phân tích Tây Tiến – Quang Dũng

     Quang Dũng là nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp với một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, tài hoa, lãng mạn và luôn thiết tha với quê hương, đất nước. Tây Tiến ra đời năm 1948 tại Phù Lưu Chanh là một trong những bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. . Cả bài thơ được viết trong sự hồi tưởng da diết của tác giả về thiên nhiên và những người lính Tây Tiến.

2. Thân bài

     Có thể nói, nỗi nhớ là mạch cảm xúc xuyên suốt và bao trùm toàn bộ bài thơ. Đó là “nỗi nhớ chơi vơi” – một nỗi nhớ vô hình vô định, lửng lơ giữa tầng không nhưng có sức ám ảnh đối với lòng người, làm cho lòng người trở nên hoang mang, day dứt như mất đi điểm tựa. Để rồi, trong dòng chảy ấy của nỗi nhớ, cứ thế hình ảnh thiên nhiên, hình ảnh những người lính Tây Tiến cứ thế gọi nhau ùa về trong kí ức, trong dòng hồi tưởng của tác giả.

     Mở đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên và những nét vẽ đầu tiên về người lính Tây Tiến trên chiến trường miền Tây.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

     Đoạn thơ đã gợi nhắc những địa danh quen thuộc – “Sài Khao”, “Mường Lát” – nơi chất chứa biết bao kỉ niệm trong những đêm hành quân giữa những màn sương dày đặc “sương lấp” và cái lạnh đến rợn người. Và để rồi trong nỗi nhớ về những địa danh ấy, hình ảnh những con dốc, những con đèo chông chênh, hiểm nguy lại ùa về. “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Quang Dũng, câu thơ trúc trắc bởi hàng loạt thanh trắc “dốc”, “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”  tạo ấn tượng sâu sắc về sự gồ ghề, cheo lao của những dốc, những đèo, nhịp thơ như bị gãy đứt gợi cảm tưởng đó là nhịp thở gấp gáp của người lính đã thấm mệt sau chặng đường hành quân cực nhọc, gian khổ. Ấy vậy mà, dẫu mệt mỏi trên bước đường hành quân song những người lính ấy vẫn đùa vui tếu táo “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Từ “ngửi” giúp chúng ta nhận ra một hình ảnh đậm chất lính, có cái tinh nghịch, có cái lãng mạn. Câu thơ vừa gợi độ cao của dốc núi  vừa gợi nên hình ảnh người lính như đi trên mây, súng chạm đỉnh trời thật ngạo nghễ, dường như, những người lính như sánh ngang với cả vũ trụ rộng lớn. Thêm vào đó, để làm rõ thêm sự hiểm nguy, dữ dội của thiên nhiên Tây Tiến, tác giả còn miêu tả những âm thanh đến rợn người của “thác gầm thét”, “cọp trêu người”. Tất cả những điều đó quyện hòa vào nhau để vẽ nên một bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hoang sơ, dữ dội. Bên cạnh đó, với một con mắt phóng khoáng và một tâm hồn nhạy cảm, tài hoa, thơ mộng của tác giả, thiên nhiên Tây Tiến còn hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình qua hình ảnh “hoa về trong đêm hơi”, “mưa xa khơi”.

     Đồng thời, thái độ lạc quan, dũng cảm của những người lính Tây Tiến còn thể hiện qua những câu thơ.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

     Câu thơ với những thanh trắc “dãi”, “bước”, “gục”, “bỏ” đã làm nhịp thơ  như chậm lại và phải chăng ẩn đằng sau đó chính là cách nhìn đơn giản, nhẹ nhàng của những người lính Tây Tiến về cái chết “bỏ quên đời”. Đây là cách nói giảm, nói tránh nhằm giảm nhẹ sự đau thương, mất mát của những người lính trước cuộc chiến tranh khốc liệt.

     Và rồi, trong dòng xúc cảm của nỗi nhớ, những kỉ niệm về tình quân dân ấm áp với những đêm hội liên hoan ùa về

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên mạn điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

     Không gian một đêm lửa trại ấm áp tình quân dân hiện lên thật đẹp, thật sinh động dưới ngòi bút tài hoa của Quang Dũng. Đó là đêm liên hoan với hình ảnh của những cô gái Lào thật đẹp, thật lộng lẫy xen lẫn chút e ấp trong trang phục của dân tộc mình “kìa em xiêm áo tự bao giờ”, “nàng e ấp” với ánh sáng thật lung linh của những bó đuốc và cả âm thanh du dương, dạt dào, bay bổng của tiếng khèn “khèn lên mạn điệu”.

     Trong nỗi nhớ về đêm hội liên hoan ấy, hình ảnh về Châu Mộc chiều sương cũng hiện lên thật đẹp, thật thơ mộng.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

     Sử dụng những từ để hỏi “có thấy”, “có nhớ” lặp lại trong nhiều câu thơ, tác giả đã gợi về trong kí ức của mình một bức tranh Châu Mộc mới thật đẹp. Với việc sử dụng các hình ảnh “chiều sương”, “hồn lau nẻo bến bờ”, “dàng người trên độc mộc”, “dòng nước lũ hoa đong đưa” tác giả đã vẽ nên một bức tranh Châu Mộc chiều sương thật thơ mộng, hư ảo, duyên dáng, tình tứ, tất cả mọi cảnh vật dường như không còn vô tri vô giác nữa mà có điệu hồn của riêng mình.

     Đặc biệt, trong nỗi nhớ ấy của nhà thơ, hình ảnh những người lính Tây Tiến hiện lên thật chân thực và rõ nét.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

     Trên bước đường hành quân giữa cái hiểm nguy của thiên nhiên và khắc nghiệt của thời tiết, những người lính Tây Tiến phải đối diện với những trận sốt rét kinh hoàng và có lẽ đó là lí do tóc họ đã rụng dần theo năm tháng. Tuy nhiên, ở đây, thay vì nói “tóc không mọc” tác giả Quang Dũng đã sử dụng cụm từ “không mọc tóc”. Với cách sử dụng từ ngữ độc đáo này, tác giả đã đã làm toát lên khẩu khí ngang tàn, cứng cỏi của những người lính Tây Tiến – họ không cần, không thèm mọc tóc. Dường như ở đây, tác giả đã biến cái bi lụy đáng thương trở thành cái hùng tráng, đáng trân trọng ở những người lính. Bên cạnh đó, tác giả đã đối lập vẻ tiều tụy bên ngoài với chí khí “giữ oai hùm” bên trong những người lính, làm cho hình tượng người lính toát lên vẻ bi tráng.

     Đồng thời, hình tượng người lính còn hiện lên với vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

     Trên bước đường hành quân, trong giấc mơ của mình, những người lính Tây Tiến vẫn gửi hồn mình nhớ về những bóng dáng yêu kiều, thướt tha của những cô gái Hà thành. Hình ảnh những cô gái ấy chính là động lực để những người lính Tây Tiến vượt qua bao gian nan, vất vả, nhọc nhằn và hiềm nguy trên bước đường hành quân. Đó cũng chính là vẻ đẹp lãng mạn, bay bổng, đa tình ẩn sâu trong những chàng lính. Và có lẽ, khi đọc đến đây, chúng ta sẽ nhớ tới những vần thơ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi:

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

     Nhớ về những người lính, tác giả không chỉ nhớ tới vẻ đẹp của họ trên bước dường hành quân mà ông còn nhớ tới cái chết bi tráng của họ.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

     Với việc sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh qua các từ ngữ “rải rác”, “chẳng tiếc đời xanh” tác giả đã làm giảm đi sự đau thương và nhấn mạnh, làm nổi bật tinh thần quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Dường như, những người lính Tây Tiến đã ra đi trong tư thế bình thản, nhẹ nhàng, bởi họ ra đi khi đã thực hiện sứ mệnh của đời mình, góp sức mình cho Tổ quốc, cho đất mẹ yêu thương. Thêm vào đó, tác giả đã mượn hình ảnh thiên nhiên để làm nổi bật tầm vóc và sức mạnh của con người. Tác giả đã lí tưởng hóa cái chết của những người lính, làm cho cái chết ấy trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn – “áo bào thay chiếu anh về đất”. Như vậy, cái chết của những người lính Tây Tiến mang nét buồn nhưng không sầu thảm, cái buồn ấy hòa trong vẻ đẹp bi tráng. Họ chết nghĩa là họ “về đất”, về với đất mẹ yêu thương. Và cái chết ấy của các anh được cả đất trời, thiên nhiên đưa tiễn “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” – một sự tiễn đưa lớn cho một cái chết lớn.

     Nhớ về thiên nhiên, về những người lính Tây Tiến thật nhiều, để rồi bài thơ khép lại bằng một lời thề son sắt, một nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả với Tây Tiến

Tây Tiến người đi không hẹn trước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

     “Mùa xuân ấy” không chỉ là mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời mà còn là mùa xuân của những kỉ niệm – mùa xuân năm 1947 và là tuổi trẻ của những người lính. Bởi vậy, nhớ về mùa xuân ấy, tác giả vẫn còn vẹn nguyên một lời thề “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Đó là lời thề của những người lình Tây Tiến – lời thề sẽ luôn nhớ, luôn khắc ghi những ngày tháng đẹp nhất của đoàn quân Tây Tiến – một đoàn quân cứu nước đã đi vào lịch sử dân tộc như một bài ca không thể nào quên.

3. Kết bài

     Tóm lại, bài thơ Tây Tiến đã khắc họa thành công hình tượng những người lính Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên miền Tây vừa hiểm nguy, dữ dội vừa kì vĩ, thơ mộng. Đồng thời, qua đó cũng giúp chúng ta thấy rõ ngòi bút tài hoa và tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, đa tình của Quang Dũng.

 

Cảm ơn các em đã tìm đọc và quan tâm tới bạn viết “Phân tích bài thơ Tây Tiến” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Trung tâm mong rằng các em sẽ không sao chép bài viết vào các bài viết của mình mà sẽ biến nó thành tài liệu học tập bổ ích. Nếu các em thấy bài viết hay thì hãy like và share nhé!

Từ khóa tìm kiếm nhiều :

dàn ý tây tiến

dàn ý bài tây tiến

phân tích tây tiến

tây tiến dàn ý

dàn bài tây tiến

dàn ý bài thơ tây tiến

dàn ý phân tích bài thơ tây tiến

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988