Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và đặc điểm thơ của Người
– Giới thiệu khái quát về bài thơ Chiều tối
2. Thân bài
a, Hai câu đầu:
– Hình ảnh cánh chim: hình ảnh ước lệ quen thuộc của thơ cổ, báo hiệu trời sắp tối
– Hình ảnh chòm mây: hình ảnh thơ cổ điển, gợi nên sự mênh mông của thiên nhiên, cảnh vật.
+ “Cô vân”: gợi nên hình ảnh chòm mây lẻ loi, cô độc giữa vũ trụ bao la.
+ Từ láy “mạn mạn”: chậm chậm, trôi nổi, lững lờ.
=> Hai câu thơ với bút pháp chấm phá và sử dụng hình ảnh thơ cổ điển đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà. Qua đó hiện lên nhân vật trữ tình yêu thiên nhiên, lạc quan vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và khát vọng tự do
b. Hai câu còn lại:
– Hình ảnh cô em xóm núi trong tư thế lao động: gợi nên tư thế khỏe khoắn, phá vỡ sự tĩnh lặng của cảnh vật buổi chiều tà
– Điệp ngữ “ma bao túc” tạo hiệu quả diễn tả sự chuyển động theo vòng quay không dứt của chiếc cối xay, cô gái lao động rất chăm chỉ.
– Chữ “hồng” được xem là “nhãn tự”, “con mắt thơ” thắp trong bài thơ một sức sống mãnh liệt, tràn đầy niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
=> Sự vận động của cảnh vật từ bóng tối đến ánh sáng.
3. Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: bài thơ Chiều tối với việc sử dụng hình ảnh thơ cổ điển, từ ngữ cô đọng, hàm súc cùng các biện pháp tu từ đã thể hiện một cách rõ nét tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó với những con người lao động và tinh thần lạc quan yêu đời vượt lên mọi hoàn cảnh của thi sĩ.
– Qua đó cũng thể hiện phong cách thơ của Người – sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại.
1. Mở bài
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, người cha già đáng kính của dân tộc. Người vừa là chiến sĩ vừa nhà thơ, nhà văn kiệt xuất của dân tộc. Những vần thơ của Người luôn có sự hài hòa giữa cố điển và hiện đại đặc biệt luôn có sự hướng về ánh sáng. Và có thể nói, bài thơ Chiều tối (trích Nhật kí trong tù) là một trong những sáng tác tiêu biểu cho đặc điểm thơ Hồ Chí Minh.
2. Thân bài
Hai câu mở đầu bài thơ bài thơ là bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô lâm mạn mạn độ thiên không
(Chim mỏi về rừng từng chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Hai câu thơ với bút pháp chấm phá cùng việc sử dụng những hình ảnh thơ cổ điển đã gợi nên cái không khí tĩnh lặng của cảnh vật, cái mênh mông của thiên nhiên. Có thể nói hình ảnh cánh chim là một hình ảnh thơ quen thuộc trong thơ ca cổ điển, chúng ta đã từng bắt gặp hình ảnh cánh chim chiều trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” hay trong ca dao cũng có câu: “Chim bay về núi tối rồi”. Hình ảnh cánh chim ấy như để diễn tả nhịp chuyển của thời gian – ngày đã xế chiều và cảnh vật cũng đang chìm dần vào tĩnh lặng. Và thêm vào đó, ở đây chúng ta cảm nhận được sự đồng điệu giữa hình ảnh cánh chim với tâm hồn thi sĩ: cánh chim đã mỏi sau một ngày dài sải cánh đang tìm chốn ngủ còn thi sĩ cũng đã thấm mệt sau một ngày dài bước đi. Thêm vào đó, bức tranh thiên nhiên xế chiều còn được tô vẽ bằng hình ảnh chòm mây – “cô vân”. Sử dụng hình ảnh thơ cổ điển cùng việc sử dụng từ láy “mạn mạn” diễn tả điệu trôi chậm chậm, trôi nổi, lững lờ của chòm mây, tác giả đã gợi lên cái cao rộng, bao la của thiên nhiên và từ đó cũng làm nổi bật lên sự cô đơn của chòm mây. Như vậy, hai câu thơ đầu với bút pháp chấm phá cùng việc sử dụng những hình ảnh thơ cổ điển, tác giả đã gợi nên sự mênh mông, bát ngát, pha sự cô đơn của cảnh vật lúc chiều tà. Qua đó hiện lên nhân vật trữ tình yêu thiên nhiên, lạc quan vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và khát vọng tự do. Chỉ khi có một tâm hồn yêu thiên nhiên, một tinh thần vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và một sự cảm nhận tinh tế thì tác giả mới có thể cảm nhận và vẽ nên một bức tranh chiều tà như vậy.
Nếu như hai câu thơ đầu bài thơ, tác giả sử dụng hàng loạt các hình ảnh thơ cổ điển đề vẽ nên bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà thì trong hai câu thơ còn lại của bài thơ, tác giả lại sử dụng bút pháp hiện đại để khắc họa hình ảnh con người:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng)
Trên cái nền bao la, rộng lớn của thiên nhiên, hình ảnh cô gái trong tư thế lao động hiện lên thật đẹp, xua tan đi cái cô quạnh của cảnh vật nơi xóm núi. Thêm vào đó nghệ thuật điệp ngữ “ma bao túc” (xay ngô tối) gợi nên sự chuyển động lặp đi lặp lại của cối xay ngô và đó cũng chính là nhịp điệu của cuộc sống, của sự chăm chỉ, chịu khó trong công việc của cô gái xóm núi. Đồng thời, qua hình ảnh cô gái xóm núi cần cù, chăm chỉ trong lao động cũng gợi nên trong chúng ta vẻ đẹp trong tâm hồn của Bác: luôn dành một nỗi niềm, một sự quan tâm sâu sắc đối với những người dân lao động. Đặc biệt, người đọc như bừng sáng lên qua chữ “hồng” ở cuối bài thơ. Có thể nói, chữ “hồng” chính là “nhãn tự”, “là con mắt thơ” của toàn bộ bài thơ. Chữ với một chữ “hồng” thôi nhưng có sức mạnh ghê gớm. Nó không chỉ xua đi cái lạnh lẽo, cô quạnh của buổi chiều nơi xóm núi mà qua đó nó còn gợi nên sức sống, niềm vui, niềm tin vào ngày mai tươi sáng của người tù. Và ánh sáng ấy cũng chính là niềm ước ao, là mơ ước của Bác về một ngày mai tươi sáng cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam. Thêm vào đó, qua chữ “hồng” cũng đã cho thấy mạch vận động của bài thơ – sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng.
3. Kết bài
Tóm lại, bài thơ Chiều tối với việc sử dụng hình ảnh thơ cổ điển, từ ngữ cô đọng, hàm súc cùng các biện pháp tu từ đã thể hiện một cách rõ nét tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó với những con người lao động và tinh thần lạc quan yêu đời vượt lên mọi hoàn cảnh của thi sĩ. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện phong cách thơ của Người – sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại.
___ HẾT ___
Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Phân tích bài thơ Chiều tối” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập và tìm hiểu bài thơ, song các em không nên sao chép vào bài viết của mình. Nếu các em thấy bài viết hay, hãy like và shrae nhé.
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm