Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1. Mở bài
– Giới thiệu về Hồ Chí Minh
– Giới thiệu về tác giả Viễn Phương
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Viếng lăng Bác”
2. Thân bài
a. Khổ 1: cảm xúc của tác giả khi đứng trước cảnh vật bên ngoài lăng Bác vào buổi sáng sớm
– Cách xưng hô thân mật, gần gũi: con – Bác
– Sử dụng từ “thăm”: nói giảm nói tránh về sự ra đi của Bác
– Hình ảnh hàng tre: biểu trưng cho sự dẻo dai, kiên cường, bất khuất của những người dân đất Việt
– Nghệ thuật: nhân hóa, ẩn dụ
b. Khổ 2: Cảm xúc của tác giả khi chứng kiến đoàn người xếp hàng vào viếng lăng Bác
– Hai câu thơ đầu:
+ Nghệ thuật ẩn dụ (mặt trời trong câu thơ thứ 2)
+ Qua hình ảnh ẩn dụ ấy, tác giả muốn khẳng định công ơn to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định, hình ảnh của Bác sẽ sống mãi trong lòng những người con đất Việt.
– Hai khổ thơ sau:
+ Cách sử dụng từ: ngày ngày, dòng người đã diễn tả nỗi lòng thành kính, nhớ thương Bác trong những người con đất Việt
+ Hình ảnh ẩn dụ “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” diễn tả tấm lòng thành kính của người dân trước bảy mươi chín năm người cống hiến hết mình cho nhân dân, dân tộc Việt Nam.
c. Khổ 3: Cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng viếng Bác
– Hai câu đầu:
+ Nghệ thuật nói giảm nói tránh: giấc ngủ bình yên
+ Những ánh sáng trong lăng được tác giả liên tưởng tới ánh sáng của những vầng trăng. Qua hình ảnh vầng trăng cho chúng ta thấy tấm lòng, tâm hồn cao đẹp của Bác.
– Hai câu sau: thể hiện một cách trực tiếp niềm tiếc thương vô hạn của tác giả trước sự ra đi của Bác.
d. Khổ 4: Ước muốn của tác giả khi ngày mai trở về miền Nam
– Nghệ thuật điệp ngữ
– Những ước muốn thật giản dị, nhỏ bé, nhưng cũng thật đáng trân quý và xét đến cùng là niềm lưu luyến, nhớ thương và biết ơn Bác của tác giả.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị của bài thơ về nội dung và nghệ thuật
1. Mở bài
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam. Người đã dành trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho dân tộc và nhân dân Việt Nam. Năm 1969, Bác đã ra đi mãi mãi và để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ cho toàn nhân dân, dân tộc Việt Nam mà cả trong lòng bạn bè thế giới. Nỗi niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Người đã được nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ gửi gắm vào trong sáng tác của mình một cách chân thực, sâu sắc và bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một trong số những tác phẩm đó. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết của tác giả – một người con phương Nam khi được ra thăm lăng Bác vào năm 1976.
2. Thân bài
Mở đầu bài thơ là nỗi niềm, cảm xúc của tác giả khi đứng trước cảnh vật bên ngoài lăng Bác vào buổi sáng sớm tinh mơ.
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
Câu thơ mở đầu khổ thơ đã giới thiệu một cách khái quát về tác giả “con ở miền Nam”, đồng thời, cách sử dụng từ xưng hô “con” – “bác” cùng động từ “thăm” đã gợi nên tình cảm gần gũi, thân thuộc của tác giả với Bác. Để rồi, trong nỗi niềm cảm xúc ấy, cảnh vật bên ngoài lăng Bác gợi cho tác giả thật nhiều xúc cảm – hình ảnh “hàng tre bát ngát” – loài cây gần gũi, thân thuộc từ ngàn đời nay với những người con đất Việt. Từ xưa đến nay, cây tre vẫn luôn được biết đến là loài cây biểu trưng cho sự dẻo dai, kiên cường, bất khuất của những người dân đất Việt và ở đây, hình ảnh hàng tre cũng không ngoại lệ. Tác giả Viễn Phương đã khéo léo sử dụng biện pháp nhân hóa, ẩn dụ để tô đậm thêm cho vẻ đẹp ấy của nhân dân ta.
Và rồi, sang khổ thơ thứ hai, tác giả đã bày tỏ cảm xúc của mình về Bác khi được chứng kiến đoàn người xếp hàng vào viếng lăng Bác.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Với việc sử dụng hình ảnh tu từ ẩn dụ, hình ảnh “mặt trời” trong câu thứ hai được tác giả sử dụng để diễn tả một cách chân thực và chính xác công lao to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Bác chính là ánh sáng mặt trờ, sáng mãi không bao giờ tắt, là ánh sáng soi chiếu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và mặt trời ấy sẽ mãi mãi còn, sẽ mãi mãi sống trong trái tim của hàng triệu người con đất Việt. Để rồi, nhà thơ như hòa mình vào dòng người viếng lăng Bác mà dãi bày lòng mình:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Từ “ngày ngày” đặt ở đầu câu cùng với việc sử dụng từ “dòng người” đã diễn tả nỗi lòng thành kính, nhớ thương Bác trong những người con đất Việt, đó là nỗi niềm chung của hàng triệu hàng triệu con người trong mọi khoảnh khắc của thời gian. Và để rồi, nỗi niềm chung ấy “kết thành tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Có thể nói, đây là một hình ảnh thơ ẩn dụ độc đáo và đặc sắc của Viễn Phương. “Bảy mươi chín mùa xuân” ấy là bảy mươi chín mùa xuân, bảy mươi chín năm người đã sống, đã cống hiến hết mình cho non sông, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.
Và chắc hẳn, nỗi lòng của tác giả khi vào lăng viếng Bác khiến ai nấy trong mỗi chúng ta đều không khỏi xúc động:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Bác nằm trong lăng như một “ngủ bình yên”. Những ánh sáng trong lăng được tác giả liên tưởng tới ánh sáng của những vầng trăng. Có lẽ, tác giả không phải ngẫu nhiên khi liên tưởng đến hình ảnh vầng trăng, bởi lẽ, vầng trăng là hình ảnh xuất hiện nhiều trong thơ Bác, đồng thời, qua hình ảnh ấy cũng cho chúng ta thấy tấm lòng, tâm hồn cao đẹp của Bác. Câu thơ vừa tả thực, vừa gửi gắm vào trong nó tiếng lòng yêu mến, kính trọng của nhà thơ đối với Bác. Và đến cuối cùng, nỗi niềm của nhà thơ được bộc lộ một cách trực tiếp
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Nếu ở những câu thơ trên, nỗi niềm tâm trạng, xúc cảm của tác giả thể hiện gián tiếp qua các hình ảnh thơ ẩn dụ, thì đến đây nó đã tuôn trào ra, được bộc lộ trực tiếp. Dẫu trong lí trí của mình, nhà thơ hiểu rõ Bác vẫn còn mãi với non sông với đất nước nhưng nỗi đau, lòng thương xót trước sự ra đi của Bác vẫn còn nằm vẹn nguyên trong trái tim nhà thơ.
Về với thủ đô, được về thăm lăng Bác, bao nỗi niềm, bao xúc cảm trong nhà thơ cứ thế ùa về để rồi khi nghĩ đến ngày mai trở về miền Nam, trong nhà thơ hiện lên niềm ước nguyện thật đáng trân trọng.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
Với việc sử dụng điệp ngữ “muốn” cùng điệp cấu trúc trong ba câu thơ, tác giả muốn nhấn mạnh niềm ước nguyện của mình. Đó là ước muốn “làm con chim hót”, “làm đóa hoa tỏa hương”, “làm cây tre trung hiếu chốn này”. Đó là những ước muốn thật giản dị, nhỏ bé, nhưng cũng thật đáng trân quý. Đó là ước muốn, là tâm trạng được gắn bó bên Bác và xét đến cùng là niềm lưu luyến, nhớ thương và biết ơn Bác của tác giả.
3. Kết bài
Tóm lại, với giọng điệu thiết tha, trang trọng cùng việc sử dụng nhiều hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ, bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã thể hiện một cách chân thực và sâu sắc nỗi niềm xúc động của mình khi đến viếng lăng Bác. Nỗi lòng ấy của nhà thơ cũng chính là tiếng lòng của hàng triệu người con đất Việt khi nghĩ về Người.
___HẾT___
Bài viết “Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác” mà trung tâm vừa mới hoàn thành hi vọng sẽ cung cấp thêm cho các em một tài liệu khi tìm hiểu tác phẩm. Tuy nhiên, các em không nên sao chép bài viết này vào các bài kiểm tra của mình nhé. Nếu thấy bài viết hay, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm