Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1, Mở bài
– Giới thiệu khái quát về nhà thơ Thanh Hải và đặc điểm sáng tác của ông.
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
2, Thân bài
a, Khổ thơ thứ nhất:
– khung cảnh thiên nhiên mùa xuân nhẹ nhàng, nên thơ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc,…
– Âm thanh: chim chiền chiện
– “Giọt long lanh rơi”: hình ảnh thơ đa nghĩa, gợi nên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân
b, Khổ hai và khổ ba
– Hình ảnh “mùa xuân” và hình ảnh “lộc” sóng đôi với nhau, được lặp lại nhiều lần gợi nên vẻ đẹp của mùa xuân và cho ta thấy những người lính, những người lao động là những người làm nên mùa xuân của đất nước
– Niềm tự hào đối với quê hương, đất nước mình: nghệ thuật so sánh, nhân hóa,..
c, Khổ bốn và khổ năm
– Điệp từ “ta” cùng việc sử dụng các động từ mạnh “làm”, “nhập” và các hình ảnh thơ đẹp.
=> Nhà thơ muốn góp sức mình làm nên mùa xuân đẹp tươi của thiên nhiên, của tạo vật của đất nước
– “Mùa xuân nho nhỏ” là một hình ảnh ẩn dụ, qua đó cho thấy ước nguyện muốn góp cuộc đời mình làm nên mùa xuân của đất nước của nhà thơ.
d, Khổ cuối
Khúc ca ân tình, là lời ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca xứ Huế thân thương với những làn điệu Nam ai, Nam bình đầy nghĩa tình.
3, Kết bài
Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
Mở bài
“Mùa xuân nho nhỏ” – một khúc ca quen thuộc, gần gũi và thân quen với mỗi người chúng ta mỗi dịp mùa xuân về. Và những lời ca quen thuộc ấy được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Thanh Hải – một nhà thơ trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một cây bút tiêu biểu của nền thơ ca dân tộc. Và có thể nói, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong số những sáng tác xuất sắc nhất của ông, bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết, gắn bó với cuộc đời và những ước nguyện chân thành, sâu sắc của nhà thơ.
Thân bài
Khổ thơ mở đầu bài thơ chính là cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về khung cảnh thiên nhiên khi mùa xuân đến. Với những nét vẽ đơn sơ, giản dị tác giả đã gợi nên một khung cảnh thiên nhiên mùa xuân nhẹ nhàng, nên thơ, đậm chất xứ Huế. Đó là hình ảnh một bông hoa lục bình tím biếc khoe sắc mình giữa làn nước trong xanh.
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Nhưng có lẽ, bức tranh xuân của thi sĩ không chỉ có hình ảnh, có màu sắc mà thi sĩ còn mở rộng lòng mình, lắng tai nghe tiếng chim hót ngoài kia báo hiệu một mùa xuân tươi đẹp đã về nơi đây.
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Với việc sử dụng các tình thái từ “ơi”, “hót chi” tác giả đã đưa vào câu thơ giọng thơ ngọt ngào, tâm tình của xứ Huế. Và dường như, âm thanh vang trời của chim chiền chiện đã làm cho bầu trời xuân, không gian thiên nhiên khi mùa xuân tới thêm rộng hơn, cao hơn. Để rồi, trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời đang độ vào xuân ấy, nhà thơ đã dãi bày, phô diễn nỗi niềm vui sướng của mình bằng những câu thơ, những hình ảnh thơ thật đẹp, thật lấp lánh:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Có thể nói, đây là hai câu thơ thật hay nhưng cũng thật đã nghĩa. “Giọt long lanh” đang rơi kia là giọt sương, là giọt mưa xuân đang rơi hay chính là giọt của của tiếng chim chiền chiện kia mang đủ cả hình ảnh, màu sắc và âm thanh. Song, dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì nó cũng vẽ nên trước mắt chúng ta một bức tranh xuân thật đẹp và nhà thơ đã không thể giấu nổi nỗi lòng mình “tôi đưa tay tôi hứng”. Câu thơ năm chữ với điệp từ “tôi” lặp lại hai lần đã nhấn mạnh một cách sâu sắc niềm vui, hạnh phúc ngất ngây, say mê của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên đang bước vào mùa xuân.
Không chỉ thể hiện niềm say mê khi đất trời vào xuân, nhà thơ Thanh Hải trong hai khổ thơ tiếp theo còn thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình đối với mùa xuân của đất nước, mùa xuân của cách mạng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Có thể nói với bốn câu thơ trên tác giả đã sử dụng triệt để và thành công biện pháp điệp ngữ. Hình ảnh “mùa xuân” và hình ảnh “lộc” sóng đôi với nhau, được lặp lại nhiều lần tạo nên ý nghĩa, dư vị sâu sắc cho câu thơ và là hiện lên trước mắt người đọc hiện thực gắn với cuộc chiến đấu, lao động của nhân dân. “Lộc” chính là biểu tượng của mùa xuân, là biểu tượng cho sức sống và sức trẻ của thiên nhiên của trời đất. Ở đây, dường như, những chiến sĩ ra trận đã luôn mang trên mình lộc non mơn mởn nghĩa là mang trên mình niềm tin, sức sống bất diệt. Còn những người lao động lại mang lộc non, mang niềm tin, mang sức sống trải rộng đến muôn nơi. Như vậy, bốn câu thơ đã diễn tả một cách sâu sắc mùa xuân của đất nước, của dân tộc và chính những người chiến sĩ, những người lao động đã làm nên mùa xuân ấy với một bản hợp xướng, một khúc nhạc điệu “hối hả”, “xôn xao”, mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết:
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Đồng thời, trước những xúc cảm nồng nàn, say đắm của thiên nhiên, của đất nước vào mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải cũng không dấu được niềm tự hào đối với quê hương, đất nước mình.
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Với việc sử dụng thành công biện pháp nghệ thuật nhân hóa, tác giả đã hình dung đất nước như một người mẹ vĩ đại, đã trải qua “bốn ngàn năm” với bao gian nan, vất vả thậm chí cả máu, nước mắt và sự hi sinh để đất nước được trường tồn, phát triển và đón thêm những mùa xuân tươi đẹp. Đồng thời, với nghệ thuật so sánh đất nước với những vì sao, tác giả đã nhấn mạnh, ngợi ca vẻ đẹp, sức sống của đất nước đang không ngừng phát triển và đi lên. Và để rồi, chúng ta nhận thấy trong lời thơ, trong từng câu chữ niềm vui hân hoan, niềm tự hào của tác giả trước mùa xuân của đất nước.
Nếu như ba khổ thơ đầu của bài thơ thể hiện xúc cảm của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước thì hai khổ thơ tiếp theo nhà thơ đã dãi bày một cách trực tiếp những nghĩ suy và ước nguyện chân thành của mình.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Có thể nói, ngay từ những dòng thơ đầu tiên của khổ thơ ta đã bắt gặp ước nguyện chân thành của nhà thơ. Với việc sử dụng điệp từ “ta” cùng việc sử dụng các động từ mạnh “làm”, “nhập” và các hình ảnh thơ đẹp, tràn đầy sức sống đã diễn tả ước nguyện của nhà thơ. Dường như, ở đây, người đọc đã thấy mất dần cái tôi cá nhân mà thay vào đó là cái ta chung của cộng đồng của dân tộc. Nhà thơ muốn hòa mình vào cộng đồng, vào cái ta để làm một con chim, một cành hoa, một nốt trầm xao xuyến lặng lẽ góp sức mình làm nên mùa xuân đẹp tươi của thiên nhiên, của tạo vật của đất nước. Đồng thời, ước nguyện của nhà thơ còn được thể hiện rõ nét qua khổ thơ:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Ở khổ thơ này, tác giả đã sử dụng từ ngữ thật chính xác và tinh tế. “mùa xuân nho nhỏ” là một cách nói hình ảnh nhằm chỉ cuộc đời một con người. Và để rồi, từ đấy chúng ta nhận ra nhà thơ luôn có ước nguyện hiến dâng cuộc đời mình, góp một phần bé nhỏ của mình làm đẹp cho quê hương, đất nước dù khi còn trẻ hay khi đã về già. Như vậy, có thể nói, ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ là một ước nguyện thật đẹp, thật dáng trân quý.
Và để rồi, khép lại bài thơ chính là khúc ca ân tình, là lời ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca xứ Huế thân thương với những làn điệu Nam ai, Nam bình đầy nghĩa tình.
Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế
Kết bài
Tóm lại, bài thơ với việc sử dụng thể thơ năm chữ cùng các hình ảnh thơ tươi vui và các biện pháp tu từ đã diễn tả chân thực và sâu sắc lòng thiết tha yêu đời, yêu quê hương đất nước và ước nguyện chân thành, cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải.
Trên đây là bài viết “Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Với bài viết này, trung tâm hi vọng nó sẽ hữu ích cho các em trong quá trình học tập và ôn luyện tác phẩm. Tuy nhiên, các em không nên sao chép vào các bài viết của mình. Nếu thấy bài viết hay, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm