slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Lập Dàn Ý và Phân Tích Bài Thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

Hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích bài thơ Sang Thu của tác giả Hữu Thỉnh và bài văn mẫu phân tích Sang Thu của học sinh giỏi lớp 9.

Lập Dàn Ý và Phân Tích Bài Thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

I. Dàn Ý Phân Tích Bài Thơ Sang Thu Của Hữu Thỉnh

1. Mở bài

– Giới thiệu về đề tài mùa thu trong thơ văn

– Giới thiệu về tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu

2. Thân bài

a. Khổ 1: Những tín hiệu đầu tiên của mùa thu

– Bỗng nhận ra: sự phát hiện đầy lí thú và ngạc nhiên của tác giả trước những sự biến đổi của thiên nhiên đất trời đi vào thu

– Những tín hiệu đầu tiên của mùa thu: Hương ổi, gió se, sương chùng chình qua ngõ

– Tâm trạng, cảm xúc của tác giả: Hình như thu đã về – tác giả chưa thể khẳng định chắc chắn rằng thu đã về mà chỉ là một sự phỏng đoán, xen lẫn trong đó chút mơ hồ hoài nghi

b. Khổ 2: Quang cảnh đất trời sang thu

– “Sông được lúc dềnh dàng”: lững thững trôi đi, nhẹ nhàng, chậm rãi, thu về là lúc dòng sông được yên bình, nghỉ ngơi

– “Chim bắt đầu vội vã”: những cánh chim mải miết bay đi tìm nơi tránh rét

– Hình ảnh đám mây “vắt nửa mình sang thu”:Một sự liên tưởng độc đáo của nhà thơ, cho thấy bước chuyển của thời gian, đồng thời, đó cũng là hình ảnh độc đáo, đặc trưng riêng của thiên nhiên lúc giao mùa

c. Khổ 3: Sự thay đổi âm thầm trong lòng cảnh vật và chiêm nghiệm của nhà thơ

– Vẫn còn nắng, còn sấm, còn mưa những cường độ đã bớt dần lại so với mùa hè

– Chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc đời;

     + Sấm: những sóng gió, thử thách của cuộc đời

     + Hàng cây đứng tuổi: những con người từng trải, từng va vấp,..

=> Những con người từng trải sẽ vững vàng hơn trước sóng gió của cuộc đời.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ Sang thu.

Bài Văn Phân Tích Sang Thu Của Học Sinh Giỏi Lớp 9

II. Bài Văn Phân Tích Sang Thu Của Học Sinh Giỏi Lớp 9

1. Mở bài

     Từ bao đời nay, mùa thu vẫn luôn là đề tài muôn thuở của thi ca. Mỗi nhà thơ với phong cách nghệ thuật của riêng mình đã vẽ nên một bức tranh mùa thu phong phú, muôn hình muôn vẻ. Đó là bức tranh thu gần gũi, dung dị của làng quê Việt Nam trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, là mùa thu với không gian rộng lớn của đất nước hòa bình trong thơ Nguyễn Đình Thi, là mùa thu với những chuyển biến tinh vi trong thơ Xuân Diệu. Và Hữu Tỉnh cũng góp sức mình vẽ nên bức tranh thu muôn hình vạn trạng ấy với một nét vẽ rất riêng qua bài thơ “Sang thu”. “Sang thu” được Hữu Thỉnh sáng tác năm 1977, là một trong số những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ nhẹ nhàng, sâu lắng và thiết tha của ông.

2. Thân bài

Mở đầu bài thơ là những tín hiệu báo mùa thu về qua những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

     Cụm từ “bỗng nhận ra” đặt ở đầu bài thơ giống như một sự phát hiện đầy lí thú và ngạc nhiên trước những sự biến đổi của thiên nhiên đất trời đi vào thu. Và để rồi, trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng ấy, những tín hiệu đầu tiên của thiên nhiên vào thu cứ thế gọi nhau ùa về. Tín hiệu đầu tiên của mùa thu về trong cảm nhận của tác giả đó chính là “hương ổi” – hương thơm của loại quả đặc trưng và mùa thu. Hương thơm ấy “phả vào trong gió se”. Nếu mùa xuân là gió riêu riêu, là mưa lành lạnh, mùa hè là gió nồm thì gió se chính là tiết trời đặc trưng của riêng mùa thu – cái gió nhẹ nhàng trong lành. Và đặc biệt hương ổi nhè nhẹ ấy lại “phả” vào làn gió thu. Một chữ “phả” thôi sao mà tinh tế, mà sâu sắc đến vậy. Từ “phả” ấy giúp chúng ta nhận ra rằng ổi đang vào độ chín nhất, thơm nhất, quyến rũ nhất và hương thơm ấy đang quyện hào, trộn lẫn vào trong hơi gió heo may của mùa thu tạo nên một hương thơm ngọt mát. Và đặc biệt, những tín hiệu “sang thu” đầu tiên ấy còn thể hiện qua hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ”. Từ láy “chùng chình” diễn tả tinh tế trạng thái của sương thu và của cả đất trời, tất cả dường như chuyển mình rất nhẹ nhàng để chuyển mình chào đón một mùa mới – mùa thu. Trước những sự chuyển biến nhẹ nhàng ấy của thiên nhiên, dường như, tác giả chưa thể khẳng định chắc chắn rằng thu đã về mà chỉ là một sự phỏng đoán, xen lẫn trong đó chút mơ hồ hoài nghi. Và tất cả tâm trạng ấy của tác giả gói gọn lại trong câu thơ “Hình như thu đã về”.

     Nếu như trong khổ thơ thứ nhất, tác giả cảm nhận những tín hiệu mùa thu bằng khứu giác là chủ yêu với hương thơm của ổi, của hơi lạnh thì sang khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã mở rộng con mắt, xúc cảm của mình để vẽ nên khung cảnh đất trời lúc sang thu.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

     Với biện pháp nhân hóa “sông” – “dềnh dàng” tác giả đã diễn tả sự thay đổi của dòng sông. Dòng sông ấy không còn vẻ ồn ào, tấp nập nữa mà thay vào đó là lững thững trôi đi, nhẹ nhàng, chậm rãi. Dường như, sau những ngày dài cuộn mình với dòng nước lũ, thu về là lúc dòng sông được yên bình, nghỉ ngơi. Song, trái ngược với sự chậm rãi, dịu dàng của dòng sông lại chính là sự “vội vã” của những đàn chim. Nếu thu là dịp để dòng nước thư giãn thì lại alf lúc những cánh chim mải miết, bay đi tìm nơi tránh rét cho mình. Sự đăng đối giữa hai câu thơ đã góp phần tạo nên khoảng không gian rộng lớn cho bức tranh thu. Đặc biệt, người đọc như càng thêm ấn tượng với bức tranh thu qua hình ảnh đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu”. Với hình ảnh này, tác giả đã diễn tả tinh tế bước chuyển của nhịp thời gian. Đám mây ấy thật nhẹ nhàng, thật tinh khôi, nó không hẳn là của mùa thu cũng chưa chắc là của mùa hạ mà nó chính là cái cầu nối giữa hai bờ hạ – thu, tạo nên nét đặc biệt riêng của khoảng thời gian giao mùa. Hình ảnh ấy quả là một sự liên tưởng độc đáo và đầy thú vị của tác giả. Như vậy, khổ thơ thứ hai với những hình ảnh nhân hóa độc đáo đã vẽ nên quang cảnh thiên nhiên, đất trời lúc sang thu.

     Nếu như hai khổ thơ đầu là những nét vẽ tinh tế trước sự biến đổi của đất trời lúc sang thu mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thì đến khổ thơ thứ ba tác giả diễn tả những sự thay đổi âm thầm trong lòng cảnh vật.

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

     Nhà thơ thật tinh tế, thật gần gũi với thiên nhiên khi có thể nhận thấy những sự thay đổi của cảnh vật lúc giao mùa. Dường như, cái nắng, cơn mưa, tiếng sấm của mùa hè vẫn còn đọng lại đó trong khoảnh khắc giao mùa nhưng đã phai đi, đã nhạt đi chút ít – nắng không còn gay gắt, những cơn mưa cũng bớt dần đi, những tiếng sấm cũng lùi dần, lùi dần vào khoảng trời mùa hạ. Với việc sử dụng hàng loạt phó từ chỉ mức độ “vẫn còn”, “vơi dần”, “cũng bớt” tác giả đã cho chúng ta cảm nhận thấy sự thay đổi ấy của cảnh vật.

     Nhưng đằng sau bức tranh cảnh vật lúc giao mùa ấy, chính là sự chiêm nghiệm của nhà thơ:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

     “Sấm” “hàng cây đứng tuổi” là những hình ảnh ẩn dụ. Nếu “sấm” hình ảnh ẩn dụ cho những khó khăn, sóng gió mà mỗi người vẫn thường gặp phải trên đường đời thì “hàng cây đứng tuổi” là hình ảnh ẩn dụ cho những con người từng trải. Để rồi, hai câu thơ như một sự chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về cuộc đời – những con người từng trải, từng đi qua nhiều khó khăn, vấp ngã sẽ luôn đứng vững và kiên định hơn trước những sóng gió của cuộc đời.

3. Kết bài

     Tóm lại, bài thơ với thể thơ năm chữ linh hoạt cùng với việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh thơ độc đáo đã giúp chúng ta có những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về sự thay đổi của thiên nhiên, cảnh vật, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa. Đồng thời, bài thơ cũng cho chúng ta thấy những chiêm nghiệm sâu sắc và đầy ý nghĩa của tác giả về cuộc đời.

___HẾT___

 

Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Phân tích bài thơ Sang Thu”. Hi vọng các em sẽ tìm ra được nhiều điều bổ ích khi đọc bài viết này song các em không nên sao chép vào các bài viết của mình. Nếu thấy bài viết thú vị, các em nhớ like và share nhé!

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988