Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về nhà thơ Phạm Ngũ Lão.
– Giới thiệu khái quát về bài thơ Tỏ lòng.
2. Thân bài
a. Hai câu thơ đầu
– Câu thơ thứ nhất: hình ảnh một trang nam tử thời Trần với tư thế hiên ngang, sẵn sàng xả thân vì nước.
+ “hoành sóc”: hình ảnh một nam tử thời Trần đang trong tư thế cầm ngang ngọn giáo – một hành động vững chắc, kiên cường.
+ không gian bao la, rộng lớn mênh mông, hùng vĩ của núi sông, của Tổ quốc.
– Câu thơ thứ hai: hình ảnh, khí thế dũng mãnh của quân đội thời Trần
+ “tì hổ” – loài hổ báo, mãnh thú chốn rừng xa, tác giả đã cụ thể hóa sức mạnh và khí thế hùng dũng, dũng mãnh của quân đội nhà Trần.
+ “khí thôn ngưu”, hình ảnh ấy đã thêm một lần nữa nhấn mạnh khí thế của quân đội nhà Trần – những người trẻ tuổi mà khí thế hùng dũng, hiên ngang.
=> Hai câu đầu bài thơ với việc sử dụng các hình ảnh ước lệ tượng trưng, so sánh độc đáo đã làm bật nổi hình ảnh của con người và quân đội nhà Trần với hào khí Đông A vang dội, mạnh mẽ, hào sảng khắp núi sông.
b. Hai câu thơ cuối
– Tác giả đã thể hiện nỗi thẹn của mình vì chưa hoàn thành giấc mộng công danh bởi với quan niệm của Nho giáo thời xưa, công danh là một trong hai món nợ lớn mà một trang nam nhi mang trên mình khi ra đời.
– Mượn điển cố điển tích chuyện Vũ hầu – con người hết lòng hết sức, tận tâm tận lực vì non sông đất nước tác giả đã thể hiện nỗi thẹn của chính bản thân mình khi chưa thực hiện được giấc mộng công danh.
3. Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật cả bài thơ Tỏ lòng.
– Từ bài thơ, liên hệ với lí tưởng sống của thanh niên hiện nay.
1. Mở bài
Phạm Ngũ Lão là một người văn võ song toàn, ông không chỉ là một vị tướng giỏi của thời Trần mà còn là người ham thích đọc sách, ngâm thơ và sáng tác thơ văn. Và có thể nói, bài thơ Tỏ lòng là một trong hai bài thơ còn lại của ông, thể hiện rõ hào khí của ông, của thời đại nhà Trần.
2. Thân bài
Hai câu thơ mở đầu bài thơ đã làm bật nổi hình ảnh con người và quân đội dưới thời nhà Trần với hào khí Đông A.
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
(Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)
Câu thơ mở đầu bài thơ dường như đã mở ra trước mắt bạn đọc hình ảnh một trang nam tử thời Trần với tư thế hiên ngang, sẵn sàng xả thân vì nước. Với cách sử dụng từ độc đáo “hoành sóc” tác giả đã dựng lại một cách thành công hình ảnh một nam tử thời Trần đang trong tư thế cầm ngang ngọn giáo – một hành động vững chắc, kiên cường. Thêm vào đó, hành động cầm ngang ngọn giáo lại được tác giả đặt trong không gian bao la, rộng lớn mênh mông, hùng vĩ của núi sông, của Tổ quốc, qua đó càng làm bật nổi thêm vẻ đẹp hiên ngang, làm chủ quê hương đất nước của những nam nhi thời Trần. Đồng thời, câu thơ thứ hai giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc và rõ nét về hào khí thời Trần. Hình ảnh “ba quân” gợi lên một cách trọn vẹn, tổng quát về hình ảnh quân đội nhà Trần. “Ba quân” ấy chính là tiền quân, trung quân, hậu quân – ba lực lượng quân chủ yếu trong quân đội nhà Trần. Hình ảnh, sức đội ấy của quân đội nhà Trần được tác giả miêu tả chi tiết, sinh động qua việc sử dụng các từ ngữ “tì hổ”, “khí thôn ngưu”. Với việc so sánh hình ảnh quân đội nhà Trần với “tì hổ” – loài hổ báo, mãnh thú chốn rừng xa, tác giả đã cụ thể hóa sức mạnh và khí thế hùng dũng, dũng mãnh của quân đội nhà Trần. Đồng thời, sức mạnh ấy còn được tỏ rõ qua hình ảnh “khí thôn ngưu”, hình ảnh ấy đã thêm một lần nữa nhấn mạnh khí thế của quân đội nhà Trần – những người trẻ tuổi mà khí thế hùng dũng, hiên ngang. Như lại, hai câu đầu bài thơ với việc sử dụng các hình ảnh ước lệ tượng trưng, so sánh độc đáo đã làm bật nổi hình ảnh của con người và quân đội nhà Trần với hào khí Đông A vang dội, mạnh mẽ, hào sảng khắp núi sông.
Nếu hai câu thơ đầu của bài thơ tác giả làm nổi bật hình ảnh, khí thế của con người và thời đại nhà Trần thì trong hai câu thơ còn lại, tác giả tập trung thể hiện nỗi thẹn của chính tác giả Phạm Ngũ Lão.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu)
Hai câu thơ với giọng điệu trầm lắng và đầy suy tư đã giúp chúng ta nhận thấy tâm trạng suy tư, trăn trở, đầy lo âu, suy nghĩ của chính tác giả Phạm Ngũ Lão. Với hai câu thơ này, tác giả đã thể hiện nỗi thẹn của mình vì chưa hoàn thành giấc mộng công danh bởi với quan niệm của Nho giáo thời xưa, công danh là một trong hai món nợ lớn mà một trang nam nhi mang trên mình khi ra đời. Đồng thời, thêm vào đó, tác giả còn cảm thấy thẹn với Vũ hầu. Mượn điển cố điển tích chuyện Vũ hầu – con người hết lòng hết sức, tận tâm tận lực vì non sông đất nước tác giả đã thể hiện nỗi thẹn của chính bản thân mình khi chưa thực hiện được giấc mộng công danh. Nhưng nhìn suốt cuộc đời của Phạm Ngũ Lão chúng ta dễ dàng nhận thấy ông là một người suốt cuộc đời cống hiến, hết lòng phục vụ cho nhà Trần nhưng đến cuối cuộc đời mình ông vẫn thấy thẹn, điều đó một lần nữa cho chúng ta thấy nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão xét đến cùng là nỗi thẹn của một người có nhân cách cao đẹp, thể hiện ước mơ, khát vọng, hoài bão để thực hiện lí tưởng của mình.
3. Kết bài
Tóm lại, với việc sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, các điển cố điển tích và bút pháp gợi tả, bài thơ Phạm Ngũ Lão đã thể hiện một cách chân thực vẻ đẹp, sức mạnh của con người, quân đội thời Trần, đồng thời, bài thơ cũng thể hiện được vẻ đẹp nhân cách của chính tác giả. Thêm vào đó, qua bài thơ cũng giúp chúng ta rút ra nhiều bài học sâu sắc về lí tưởng sống của thanh niên trong bối cảnh hiện nay.
___HẾT___
Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Phân tích bài thơ Tỏ lòng” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Với bài viết này, trung tâm hi vọng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập, tìm hiểu tác phẩm. Tuy nhiên, các em không nên sao chép bài viết vào các bài tập của mình. Nếu thấy bài viết độc đáo, hữu ích, các em nhớ like và share nhé!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm