slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Bài Văn Phân Tích Vợ Chồng A Phủ ( Tô Hoài ) Hay Nhất

Bài viết hướng dẫn lập dàn ý phân tích Vợ Chồng A Phủ và bài văn mẫu phân tích tác phẩm này.

           Bài Văn Phân Tích Vợ Chồng A Phủ ( Tô Hoài ) Hay Nhất

I. Dàn Ý Phân Tích Vợ chồng A Phủ

1, Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài và đặc điểm sáng tác của ông.

– Giới thiệu chung về tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

2, Thân bài

a, Nhân vật Mị

– Xuất hiện một cách thật tự nhiên ngay từ đầu tác phẩm

– Trước khi trở thành con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra, Mị là cô gái Mèo xinh đẹp, trẻ trung, hiếu thảo và có tài

– Mị khi trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra:

     + Mị là nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi, trở thành “con dâu gạt nợ” nhà thống lí Pá Tra vì món nợ truyền kiếp của gia đình

     + Mị trở thành công cụ lao động của nhà thống lí Pá Tra. Mị như một cỗ máy, làm việc quần quật suốt ngày suốt đêm

     + Mị còn bị còn bị A Sử đánh đập tàn nhẫn, thô bạo

     + Mị còn bị hành hạ về mặt tinh thần

– Sự hồi sinh của Mị trong đêm tình mùa xuân:

     + Tiếng sáo là tiếng gọi của tình yêu, tiếng gọi của hạnh phúc, nó xuyên qua tâm hồn Mị để đồng vọng với khát vọng tình yêu, khát vọng sống đang trỗi dậy trong cô.

     + Mị đã nhẩm thầm lời bài hát, “những lời thì thầm ấy như những lời thì thầm của mùa xuân”

     + Mị uống rượu – “uống ừng ực từng bát”

     + Những ý niệm về thời gian dần dần sống lại trong Mị, cô nhớ về những kỉ niệm thời trẻ và sống với hiện tại của chính mình

     + Mị muốn được đi chơi

     + A Sử về, trói đứng Mị, đánh đập Mị song A Sử chỉ trói được thể xác của Mị chứ không thể nào trói buộc được tâm hồn, khao khát của cô

– Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và hai người cùng nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài

     + Thoạt đầu, khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn thản nhiên ngồi sưởi tay bên bếp lửa.

     + Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị thấy thương người, thương mình và thấy nhà Pá Tra sao ác thế

     + Mị nảy ra ý định cứu A Phủ, nhưng rồi Mị lại thấy sợ.

     + Lòng thương người, thương mình và khát khao sống trong Mị đã lớn hơn tất cả, chiến thắng mọi nỗi sợ hãi để Mị đi đến quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

b, Nhân vật A Phủ

– Hoàn cảnh: A Phủ đã mồ côi cha mẹ, sống và lớn lên trong tình yêu thương, sự che chở, đùm bọc của dân làng

– A Phủ là chàng trai khỏe mạnh và thành thục trong mọi công việc: “A Phủ khỏe, chạy nhanh như con ngựa, con gái trong làng nhiều người mê”, “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”

– A Phủ trở thành người ở gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra:

     + Nguyên nhân: A Phủ đánh con quan và thua trong một vụ kiện đầy bất công, vô lí.

     + Khi trở thành người ở gạt nợ: A Phủ còn không có giá trị bằng một con bò, chỉ vì làm mất một con bò của nhà thống lí mà A Phủ bị trói đứng, bị hành hạ về mặt thể xác.

     + A Phủ đã gặp Mị và được Mị cắt dây cởi trói rồi cả hai cùng nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

3, Kết bài

Khái quát giá trị nội dung (giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo) và giá trị nghệ thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

II. Bài Văn Phân Tích Tác Phẩm Vợ Chồng A Phủ

Mở bài

Với vốn hiểu biết phong phú về phong tục, tập quán của người dân miền núi cùng lối trần thuật hóm hỉnh, sâu sắc, chân thực của người từng trải và sự giàu có trong vốn từ vựng, những sáng tác của Tô Hoài luôn để lại dấu ấn đậm sâu và sức sống lâu bền  trong lòng bạn đọc. Và có thể nói truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc là một trong số những sáng tác tiêu biểu của Tô Hoài.

Thân bài

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã dựng lại một cách chân thực, sâu sắc bức tranh số phận, cuộc đời của hai nhân vật Mị và A Phủ.

Ngay từ những dòng đầu của tác phẩm, Tô Hoài đã khéo léo để nhân vật Mị xuất hiện một cách thật tự nhiên nhưng đã để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng bạn đọc. “Ai đi xa về, có việc ghé qua nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Thêm vào đó tác giả đã tạo ra một hoàn cảnh đối lập giữa nét mặt “lúc nào cũng buồn rười rượi của Mị” với sự giàu có, sung túc của nhà thống lí. Với tình huống đối nghịch ấy tác giả đã phần nào hé mở cho người đọc về cuộc đời của Mị trong những tháng ngày làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

Trước khi trở thành con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra, Mị là cô gái Mèo xinh đẹp, trẻ trung, hiếu thảo và có tài thổi sáo. Chắc hẳn, những ai đã từng một lần đọc Vợ chồng A Phủ sẽ chẳng thể nào quên được những câu văn tác giả miêu tả vẻ đẹp ngoại hình và tài năng của Mị. Mị đẹp đến nỗi “trai làng đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị” rồi “có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Không chỉ xinh đẹp mà Mị còn có tài “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo vậy”. Đặc biệt, ở Mị chúng ta còn nhận thấy vẻ đẹp trong tận sâu tâm hồn, tấm lòng của Mị. Mị là một cô gái hồn nhiên, yêu đời và có lòng hiếu thảo với cha. Lời nói của Mị với bố“con phải làm nương giả nợ thay cho bố” đã thể hiện rõ tấm lòng hiếu thảo của Mị. Như vậy, Mị là một cô gái vừa đẹp người vừa đẹp nết vừa tài năng, những tưởng một cô gái như thế sẽ có được hạnh phúc. Song với Mị thì hoàn toàn ngược lại khi Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

Mị là nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi, trở thành “con dâu gạt nợ” nhà thống lí Pá Tra vì món nợ truyền kiếp của gia đình từ hàng mấy năm nay. Mị trả món nợ của gia đình bằng chính tuổi trẻ, sức khỏe và hạnh phúc của bản thân mình. Trở thành con dâu gạt nợ cũng chính là lúc Mị trở thành công cụ lao động của nhà thống lí Pá Tra. Mị như một cỗ máy, làm việc quần quật suốt ngày suốt đêm, từ ngày này đến ngày khác, năm này qua năm khác “Mị như một cỗ máy làm việc suốt ngày, suốt tháng, suốt năm”, “Mị tưởng mình là con trâu con ngựa. Mị nghĩ mình cũng không bằng con trâu, con ngựa…”. Thêm vào đó, Mị còn bị còn bị A Sử đánh đập tàn nhẫn, thô bạo. Có lẽ, đọc toàn bộ tác phẩm người đọc sẽ không thể nào có thể quên được những trận đòn roi đến rợn người mà Mị đã phải gánh chịu. Không chỉ bị bóc lột về mặt thể xác, Mị còn bị hành hạ về mặt tinh thần. Sống trong nhà Pá Tra, Mị “sống lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, Mị tị tê liệt về mặt tinh thần, sống vô cảm và lặng lẽ. Dường như giờ đây Mị đã bị tê liệt hoàn toàn về mặt tinh thần, sống không chút hi vọng, không mảy may sức sống.

Nhưng rồi, trong những ngày Tết đến ở Hồng Ngài, trong đêm tình mùa xuân ấy, sức sống trong Mị đã lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ trong cô. Hồng Ngài những ngày Tết đến, xuân về thật đẹp và đặc biệt là âm thanh tiếng sáo gọi bạn đi chơi trong đêm tình mùa xuân mới thật tuyệt biết bao. Tiếng sáo ấy là âm thanh đặc trưng nơi núi rừng Tây Bắc vào mùa xuân, nó là tiếng gọi của tình yêu, tiếng gọi của hạnh phúc và để rồi, tiếng sáo dìu dặt, thiết tha ấy đã thấu rọi, xuyên qua tâm hồn vốn đã bị đóng băng bấy lâu nay ở Mị để đồng vọng với khát vọng tình yêu, khát vọng sống đang trỗi dậy trong cô. Mị đã có những hành động đầu tiên, báo hiệu cho sự trỗi dậy của sức sống trong Mị. Nếu như trước đây, Mị “sống lùi lũi như con rùa trong xó cửa” thì hôm nay, Mị đã nhẩm thầm lời bài hát, “những lời thì thầm ấy như những lời thì thầm của mùa xuân”, nó chính là động lực, là nguồn cội để rồi cuộc đời Mị từ đây bước sang một trang mới. Rồi Mị uống rượu – “uống ừng ực từng bát” – dường như Mị muốn uống để quên đi hết bao sầu muộn, bao giận dữ, khổ đau trong những tháng ngày đã qua. Những ý niệm về thời gian dần dần sống lại trong Mị, cô nhớ về những kỉ niệm thời trẻ và sống với hiện tại của chính mình. “Mị thấy mình phơi phới trở lại, Mị vẫn còn trẻ lắm”, Mị muốn được đi chơi mùa xuân. Như vậy, đến đây, sức sống, khát khao sống trong Mị đã trỗi dậy nhưng rồi sự xuất hiện của A Sử đã buộc Mị không thể thực hiện khát khao đi chơi trong đêm tình mùa xuân của mình. A Sử trói đứng Mị, đánh đập Mị song A Sử chỉ trói được thể xác của Mị chứ không thể nào trói buộc được tâm hồn, khao khát của cô. Dường như, Mị đã quên mất việc mình bị trói đứng, quên đi nỗi đau về mặt thể xác để tâm hồn Mị vẫn hòa cùng với tiếng sáo của những cuộc chơi. Như vậy, sức sống mãnh liệt trong Mị đã trỗi dậy, vượt qua cả nỗi đau về mặt thể xác.

Đặc biệt, sự hồi sinh của Mị thể hiện rõ nét qua việc Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ. Thoạt đầu, khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn thản nhiên ngồi sưởi tay bên bếp lửa. Mị thản nhiên, dửng dưng cũng đúng thôi bởi với Mị nói riêng và với những người trong nhà thống lí Pá Tra nói chung, việc một con người bị trói đứng đâu có gì là lạ, là khác thường đâu. Nhưng rồi, Mị đã hoàn toàn thay đổi khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, giọt nước mắt ấy đã một lần nữa đánh thức sức sống trong Mị, đánh thức tình thương người và thương mình ở cô. Để rồi, Mị nảy ra ý định cứu A Phủ, nhưng rồi Mị lại thấy sợ. Tuy nhiên, lòng thương người, thương mình và khát khao sống trong Mị đã lớn hơn tất cả, chiến thắng mọi nỗi sợ hãi để Mị đi đến quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ rồi Mị cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài. Hành động ấy của Mị đã chứng minh quá trình hồi sinh của Mị, Mị đã trở lại là chính mình với một khát vọng sống mãnh liệt.

Cùng với Mị, trong tác phẩm, Tô Hoài đã xây dựng thành công số phận nhân vật A Phủ. Từ nhỏ, A Phủ đã mồ côi cha mẹ, sống và lớn lên trong tình yêu thương, sự che chở, đùm bọc của dân làng. Lớn lên, A Phủ trở thành chàng trai khỏe mạnh “A Phủ khỏe, chạy nhanh như con ngựa, con gái trong làng nhiều người mê”. Không chỉ khỏe mạnh mà A Phủ còn là người nhanh nhẹn, việc gì cũng biết làm, lúc còn bé, đi làm cho nhà người, chẳng mấy chốc mà A Phủ “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”, rồi đến lúc phải đi ở cho nhà Pá Tra, A Phủ càng chứng tỏ được sức lực của mình “đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò nương gò rừng”. Đồng thời, A Phủ là người có tính cách gan bướng, mạnh mẽ, bị bắt xuống đồng thấp lại trốn lên đồng cao.

Số phận của A Phủ cũng giống như Mị, đều phải trở thành người ở gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. A Phủ trở thành người ở để gạt nợ chỉ vì A Phủ đánh con quan và thua trong một vụ kiện đầy bất công, vô lí. Thêm vào đó, khi trở thành người ở gạt nợ, A Phủ còn không có giá trị bằng một con bò, chỉ vì làm mất một con bò của nhà thống lí mà A Phủ bị trói đứng, bị hành hạ về mặt thể xác. Và rồi, trong chính lần bị trói đứng ấy, A Phủ đã gặp Mị và được Mị cắt dây cởi trói rồi cả hai cùng nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

Kết bài

Tóm lại, với ngòi bút trần thuật hấp dẫn, độc đáo, vốn từ vựng phong phú và sắc sảo, Vợ chồng A Phủ đã dựng lại một cách chân thực và sâu sắc số phận của hai nhân vật Mị và A Phủ. Đồng thời, qua số phận hai nhân vật cũng cho chúng ta thấy rõ giá trị hiện thực của tác phẩm về cuộc sống và số phận bi đát của những người lao động miền núi và về bộ mặt tàn ác của giai cấp thống trị. Thêm vào đó nó cũng cho ta thấy chiều sâu nhân đạo của tác phẩm, đó chính là lời ngợi ca, trận trọng những giá trị, khát vọng sống tốt đẹp của con người và lời lên án, tố cáo sự tàn ác, vô nhân tính của giai cấp thống trị.

 

 

Trên đây là bài viết “Phân tích Vợ chồng A Phủ” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Với bài viết này, trung tâm hi vọng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập, song các em không nên sao chép nội dung bài viết vào các bài làm của mình. Nếu thấy bài viết bổ ích, các em hãy like và share nhé. Cảm ơn các em!

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ




Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988