slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Bài Văn Phân Tích NÓI VỚI CON Của Học Sinh Giỏi 2024

Lập dàn ý phân tích bài thơ Nói Với Con của tác giả Y Phương kèm theo bài văn phân tích nói với con học sinh giỏi năm 2024. Các em học sinh có thể dựa vào bài viết để tự lập dàn ý và viết bài văn phân tích của riêng mình. Tuy nhiên, các em không được sao chép để làm bài tập và bài kiểm tra dưới mọi hình thức.

Bài Văn Phân Tích Nói Với Con Của Học Sinh Giỏi 2024

I. Lập Dàn Ý Phân Tích bài Nói Với Con Học Sinh Giỏi

Hãy cùng trung tâm gia sư Đăng Minh lập dàn ý phân tích bài thơ Nói Với Con củ tác giả Y Phương và tham khảo bài văn phân tích Nói Với Con của học sinh giỏi sau đây nhé.

1, Mở bài phân tích bài thơ nói với con

– Giới thiệu khái quát về tác giả bài thơ Nói Với Con Y Phương (những nét chính về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác,…)

– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Nói với con” (hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, khái quát về nội dung và nghệ thuật,…)

2, Thân bài phân tích bài nói với con

a, Những cội nguồn đã sinh thành và nuôi dưỡng con

– Cội nguồn đó là gia đình:

+ Hình ảnh, từ ngữ giàu giá trị tạo hình – “chân phải”, “chân trái”, “một bước”, “hai bước”: gợi cho chúng ta liên tưởng tới những bước đi chập chững đầu tiên của con

+ Thủ pháp liệt kê qua các hình ảnh “tiếng nói”, “tiếng cười”: Gợi hình ảnh đứa trẻ bi bô tập nói, trong khung cảnh gia đình ấm êm, hạnh phúc.

+ Hình ảnh “tới cha”, “tới mẹ” đã gợi lên ánh mắt, bóng hình, vòng tay của cha mẹ như luôn dõi theo con, là điểm tựa của con.

Cội nguồn đó là quê hương:

+ Hình ảnh quê hương đã hiện lên qua những hình ảnh giàu sức gợi: “đan lờ cài nan hoa”, “vách nhà ken câu hát” .

+ Thủ pháp nhân hóa “rừng cho hoa”, “con đường cho những tấm lòng” cho thấy tấm lòng rộng mở, hào phóng của thiên nhiên, quê hương

Cội nguồn đó là những kỉ niệm đẹp của cha mẹ

b, Những phẩm chất cao quý, tốt đẹp của người đồng mình và lời khuyên của cha đối với con.

Những phẩm chất cao quý, tốt đẹp của “người đồng mình”:

+ Giàu ý chí, nghị lực, luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

+ Tinh thần tự lực cánh sinh của người vùng cao, những con người nơi đây đã bằng chính sức lực của mình xây dựng quê hương, làm nên bản sắc, phong tục của dân tộc mình

Lời khuyên của cha:

+ Cha muốn con hãy biết yêu thương, biết gắn bó và trân trân trọng quê hương mình.

+ Cha muốn con có lối sống phóng khoáng, dạt dào tình cảm, trong sáng 

+ Luôn vững vàng, kiên cường để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

3, Kết bài phân tích bài thơ nói với con

Khái quát những nét đặc sắc về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của bài thơ và nêu cảm nhận của bản thân.

II. Bài Viết Phân Tích “Nói với con” Của Học Sinh Giỏi 2024

1, Mở bài Nói Với Con hsg

     Y Phương là một trong số những gương mặt tiêu biểu thuộc lớp các nhà thơ dân tộc miền núi. Y Phương thường viết nhiều về gia đình, quê hương, đất nước với ngôn ngữ giản dị, hồn nhiên, mang đậm dấu ấn của người vùng cao cùng những hình ảnh thơ độc đáo, giàu giá trị biểu tượng. Và có thể thấy, bài thơ “Nói với con” là một trong số những sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ của ông. Ra đời vào năm 1980, năm năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bài thơ đã gợi lên trong lòng người đọc nhiều xúc cảm về tình cảm gia đình và truyền thống quê hương. 

Bài viết phân tích bài thơ “Nói với con”

2, Thân bài “Nói Với Con”

     Trước hết, đoạn thơ mở đầu bài thơ là lời của người cha nói với con về những cội nguồn đã sinh thành và nuôi dưỡng con. Cội nguồn đó trước hơn cả đó chính là gia đình.

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

     Bốn câu thơ đã được tác giả sử dụng những từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị tạo hình – “chân phải”, “chân trái”, “một bước”, “hai bước”. Những từ ngữ, hình ảnh ấy gợi cho chúng ta liên tưởng tới những bước đi chập chững đầu tiên của con, trong niềm hạnh phúc, vui mừng của cha mẹ. Thêm vào đó, với việc sử dụng thủ pháp liệt kê qua các hình ảnh “tiếng nói”, “tiếng cười” dường như đã làm hiện lên hình ảnh đứa trẻ bi bô tập nói, trong khung cảnh gia đình ấm êm, hạnh phúc. Đặc biệt, những hình ảnh “tới cha”, “tới mẹ” đã gợi lên ánh mắt, bóng hình, vòng tay của cha mẹ như luôn dõi theo con, là điểm tựa, là vòng tay giang rộng để đón đợi mỗi đứa con. Như vậy, với những lời thơ nhẹ nhàng, tác giả đã nhắn nhủ con gia đình chính là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng.

     Cùng với gia đình, quê hương cũng chính là nguồn cội không thể thiếu đối với mỗi người trên hành trình khôn lớn và trưởng thành.

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

     Với lối nói, cách tư duy của người vùng cao, Y Phương đã giới thiệu về quê hương, về “người đồng mình” bằng những hình ảnh thật bình dị, thân thương mà chứa chan bao ý nghĩa. Hình ảnh quê hương đã hiện lên qua những hình ảnh giàu sức gợi – “đan lờ cài nan hoa” gợi lên sự khéo léo, sáng tạo và tài hoa, “vách nhà ken câu hát” gợi lên đời sống sinh hoạt cộng đồng, thế giới tâm hồn tinh tế của những con người nơi đây. Cùng với đó, các động từ “cài”, “ken” vừa làm bật nổi sự khéo léo của “người đồng mình” vừa cho thấy sự gắn bó của họ trong đời sống lao động hằng ngày. Đặc biệt, thủ pháp nhân hóa “rừng cho hoa”, “con đường cho những tấm lòng” cho thấy tấm lòng rộng mở, hào phóng, sẵn sàng cho đi tất cả những điều đẹp đẽ và tuyệt vời nhất của thiên nhiên, quê hương. Và như vậy, nếu gia đình là cội nguồn sinh thành và dưỡng dục thì quê hương chính là nơi nuôi dưỡng ta khôn lớn người.

     Cuối cùng, với cha, kỉ niệm êm đềm, hạnh phúc của cha mẹ cũng chính là cội nguồn để con sinh thành. Bởi lẽ, “ngày cưới” cũng chính là nơi bắt đầu của tổ ấm gia đình, cho tình yêu thương và con chính là kết tính tuyệt vời nhất của tình yêu ấy.

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

     Thêm vào đó, nói với con, người cha con nói về những phẩm chất cao quý của người đồng mình. Như chúng ta đã biết, “người đồng mình” là những người cùng sống với nhau trên một vùng đất, một dân tộc, gắn bó và yêu thương nhau. Với việc sử dụng lối nói “người đồng mình” của người vùng cao đã gợi lên sự gần gũi, yêu thương trong một gia đình và từ đó gợi lên những vẻ đẹp đáng trân trọng của họ. Trước hết, “người đồng mình” là những người có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

     Tác giả đã sử dụng hệ thống từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi, mang đậm nét tư duy của người vùng cao qua hai tính từ “cao”, “xa” để đo ý chí của con người. Câu thơ đượm chút ngậm ngùi về thực tại còn nhiều khó khăn của người miền núi nhưng qua đó cũng thấy được ý chí, nghị lực vươn lên của họ.

     Cùng với đó, trong bài thơ, tác giả cũng đã làm bật nổi vẻ đẹp truyền thống của người vùng cao.

Người đồng mình tuy thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương,

Còn quê hương thì làm phong tục

     Tác giả đã sử dụng thành công nghệ thuật tương phản, đối lập, giữ một bên là hình ảnh “thô sơ da thịt”, là hình ảnh tả thực về vóc dáng nhỏ bé của “người đồng mình” với một bên là cụm từ “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”, gợi ý chí, nghị lực của “người đồng mình” để từ đó làm bật nổi ý chí, nghị lực to lớn của những con người nơi đây. Đồng thời, tác giả còn cho thấy tinh thần tự lực cánh sinh của người vùng cao, những con người nơi đây đã bằng chính sức lực của mình xây dựng quê hương, làm nên bản sắc, phong tục của dân tộc mình. Tất cả những điều đó được thể hiện rõ nét qua hình ảnh ẩn dụ “tự đục đá kê cao quê hương”. 

     Đặc biệt, bài thơ còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi những lời khuyên, những mong ước chân thành và ý nghĩa của cha dành cho con. Hơn bất cứ điều gì, cha muốn con hãy sống và phát huy những giá trị, những truyền thống tốt đẹp của “người đồng mình”. Với hình ảnh ẩn dụ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” đã cho thấy cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả, đói nghèo của những con người vùng cao. Và để rồi, đằng sau đó, cha muốn con hãy biết yêu thương, biết gắn bó và trân trân trọng quê hương mình. Đồng thời, với hình ảnh so sánh “sống như sông như suối” gợi lối sống phóng khoáng, dạt dào tình cảm, trong sáng của “người đồng mình” và cha muốn con sẽ có được một tâm hồn đẹp đẽ, tươi sáng như vậy. 

     Cuối cùng, khép lại bài thơ chính là lời dặn dò vừa ân cần vừa nghiêm khắc của cha đối với con.

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ được nhỏ bé

Nghe con

     Hai tiếng “lên đường” cất lên chứng tỏ người con đã trưởng thành và có thể bước đi trên đường đời. Trên con đường ấy, cha mong con “không bao giờ được nhỏ bé” mà phải luôn vững vàng, kiên cường để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Khép lại bài thơ là hai tiếng “nghe con” nghe thật thiết tha, xúc động và ẩn chứa bao mong ước của cha.

3, Kết bài Nói Với Con học sinh giỏi

Tóm lại, với thể thơ tự do, phóng khoáng cùng giọng điệu thơ đa dạng, khi tâm tình tha thiết, khi mạnh mẽ, nghiêm khắc, bài thơ “Nói với con” của tác giả Y Phương đã thể hiện tình cảm tha thiết, sâu nặng của cha đối với con. Đồng thời qua đó cũng bộc lộc tình yêu quê hương và lòng tự hào về “người đồng mình”.

 

Trên đây là bài viết “Phân tích bài Nói với con của học sinh giỏi” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập song các em không nên sao chép vào bài làm của mình. Nếu thấy bài viết này hay, các em nhớ like và share nhé!

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988