slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Lập Dàn Ý và Bài Văn Mẫu Phân Tích Tác Phẩm “Chữ Người Tử Tù”

Hướng Dẫn Lập Dàn Ý và Bài Văn Mẫu Phân Tích Tác Phẩm “Chữ Người Tử Tù” Của Tác Giả Nguyễn Tuân. Bài Văn Mẫu Hay Nhất Của Học Sinh Giỏi 2019

I. Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn “Chữ Người Tử Tù”

phân tích truyện ngắn “Chữ người tử tù”

1, Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và những nét đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của ông.

– Giới thiệu khái quát về truyện ngắn “Chữ người tử tù” (xuất xứ, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…)

2, Thân bài

Tình huống truyện

– Cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục nơi chốn ngục tù trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao

– Ý nghĩa:

+ Tăng kịch tính và sức hấp dẫn cho tác phẩm

+ Giúp nhân vật bộc lộ tính cách

+ Góp phần thể hiện quan điểm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.

Nhân vật Huấn Cao

– Là người có tài viết chữ đẹp, nổi tiếng khắp nơi:

+ Lời khen của viên quản ngục và thầy thơ lại

+ Viên quản ngục luôn khát khao, ao ước có chữ ông Huấn để treo trong nhà

– Là người có khí phách hơn người, bất khuất và hiên ngang

+ kẻ “chọc trời khuấy nước”, là người dám cầm đầu cả một cuộc đại phản chống lại triều đình để không đi lại lề lỗi cũ

+ Người khiến cho bọn lính mới nghe tên cũng phải dè chừng, lo lắng

+ Thái độ “dỗ gông’ đầy bản lĩnh

– Người có thiên lương trong sáng:

+ Không vì vàng bạc, quyền lực mà ép mình cho chữ

+ Cho chữ viên quản ngục vì cảm tấm lòng của viên quản ngục.

Nhân vật viên quản ngục

– Người có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”

+ Chưa từng gặp Huấn Cao nhưng lại rất kính trọng ông

+ Cách đối xử, thái độ của viên quản ngục khi Huấn Cao ở tù

Cảnh cho chữ

– Diễn ra nơi chốn ngục tù ẩm ướt trong một đêm tối tĩnh mịch

– Hình tượng diễn ra: “ba con người chụm nhau dưới ánh sáng của bó đuốc đang dậm tô những nét chữ”

– Là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có

– Ý nghĩa:

+ Góp phần thể hiện tính cách, vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật

+ Góp phần thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.

3, Kết bài

– Khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của thiên truyện “Chữ người tử tù” và tài năng của Nguyễn Tuân được thể hiện qua tác phẩm.

– Nêu những cảm nghĩ của bạn về tác phẩm này.

II. Bài Văn Mẫu Phân Tích “Chữ Người Tử Tù”

Bài Văn Mẫu Phân Tích “Chữ Người Tử Tù”

1, Mở bài

     Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, mỗi nhà thơ, nhà văn đều để lại trong lòng bạn đọc những dấu ấn riêng, không thể nào trộn lẫn. Nếu bạn đọc biết đến Thạch Lam với những trang truyện ngắn đầy chất thơ, Nam Cao là nhà văn với tài năng phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy, Vũ Trọng Phụng là nhà văn trào phúng xuất sắc,… thì với Nguyễn Tuân, bạn đọc biết đến ông là “người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp” với những trang viết tài hoa, uyên bác, lãng mạn và tài hoa. Và có thể nói, tập truyện “Vang bóng một thời” gồm 11 truyện ngắn ra  đời trước cách mạng tháng Tám là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông. Đọc tập truyện “Vang bóng một thời” người đọc sẽ không thể nào quên được thiên truyện “Chữ người tử tù” – tác phẩm viết về thú chơi chữ – một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

2, Thân bài

     Có thể nói, tình huống truyện là yếu tố cốt lõi, thành phần quan trọng đối với mỗi truyện ngắn, góp phần không nhỏ vào thành công, sức hấp dẫn của truyện và như Nguyễn Minh Châu từng nói “Tình huống truyện là thứ nước rửa hình rửa ảnh làm nổi hình, nổi sắc nhân vật”. Và truyện ngắn “Chữ người tử tù” cũng vậy, tác phẩm đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, góp phần không nhỏ vào sức sống lâu bền của thiên truyện. Tình huống truyện độc đáo của truyện ngắn “Chữ người tử tù” chính là cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục nơi chốn ngục tù trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao. Chính cuộc gặp gỡ giữa hai con người đối lập nhau trên bình diện xã hội – Huấn Cao là người có tội, đang chờ ngày chịu án và viên quan coi ngục nhưng họ lại gặp nhau ở tấm lòng, niềm say mê cái đẹp đã tạo nên tình huống truyện hấp dẫn, từ đó, làm cho câu chuyện thêm phần kịch tính và hấp dẫn người đọc. Và để rồi, tình huống truyện ấy đã góp phần làm bật nổi tính cách, vẻ đẹp tâm hồn của cả Huấn Cao và viên quản ngục. Đồng thời, qua tình huống truyện cũng giúp chúng ta hiểu hơn về quan điểm về cái đẹp của nhà văn Nguyễn Tuân.

     Không chỉ thành công ở việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, truyện ngắn “Chữ người tử tù” còn xây dựng thành công các hình tượng nhân vật, trước hết là nhân vật Huấn Cao. Nhân vật Huấn Cao hiện lên trong tác phẩm là người có tài viết chữ đẹp – tài viết thư pháp. Như chúng ta đã biết, tài viết thư pháp và nghệ thuật cho chữ là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc từ xa xưa đến nay và là tài năng được coi trọng. Và với Huấn Cao, tài viết chữ đẹp của ông nổi tiếng khắp nơi và được thể hiện rõ nét qua những lời khen, lời giới thiệu trong cuộc trò chuyện giữa viên quản ngục và thầy thơ lại khi Huấn Cao được giải đến chốn ngục tù này “Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp đó phải không?” Đặc biệt, tài viết chữ đẹp của Huấn Cao còn được thể hiện gián tiếp qua ước muốn, khát khao cháy bỏng có được chữ ông Huấn để treo trong ngôi nhà của mình của viên quan coi ngục “Chữ ông đẹp lắm, vuông lắm… Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”.

     Thêm vào đó, Huấn Cao còn là người có khí phách hiên ngang, tinh thần bất khuất. Huấn Cao là kẻ “chọc trời khuấy nước”, là người dám cầm đầu cả một cuộc đại phản chống lại triều đình để không đi lại lề lỗi cũ. Và chắc có lẽ bởi vậy, mà chỉ cần nghe đến tên của ông thôi cũng đủ làm cho bọn lính coi ngục phải dè chừng, khiếp sợ “Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn.” Khi đến trước cửa ngục, Huấn dường như chẳng lấy gì làm sợ hãi, ông vẫn có thái độ dỗ gông đầy bản lĩnh, tỏ rõ cái khí phách vốn có của mình “Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt.”

     Không dừng lại ở vẻ đẹp tài năng hay khí phách hiên ngang, hơn người, Huấn Cao còn là người có vẻ đẹp thiên lương trong sáng. Trong suốt cuộc đời mình, Huấn Cao chưa từng một lần cho chữ vì sợ quyền lực hay ham muốn địa vị vật chất, tiền bạc, ông từng nói “ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ.” Nhưng rồi vì cảm mến, vì trân trọng tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản coi ngục mà ông cho chữ ngay giữa chốn ngục tù tối tăm ngay trước đêm ông chịu án tử “Nào đâu có biết một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.” Hành động cho chữ viên quản ngục của Huấn Cao xét đến cùng là tấm lòng quý trọng của Huấn Cao đối với những người biết coi trọng, nâng niu cái tài, cái đẹp.

     Cùng với nhân vật Huấn Cao, nhân vật viên quản ngục cũng góp phần không nhỏ vào thành công và sức hấp dẫn của tác phẩm. Trước hết, viên quản ngục là người có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” hay nói cách khác ông là người quý trọng cái đẹp, cái tài năng. Dù chưa từng một lần gặp mặt ông Huấn Cao nhưng từ tận sâu trong lòng mình viên quản ngục đã hết mực kính trọng và khao khát có được “chữ ông Huấn mà treo trong nhà”. Tấm lòng ấy của viên quản ngục thể hiện rõ nét qua thái độ, cách đối xử của ông với Huấn Cao trong những ngày Huấn Cao ở tù. Đó là thái độ kiên nhẫn dâng rượu thịt cho Huấn Cao với hi vọng có thể xin được chữ. Đó còn là thái độ lễ phép rút lui khi bị Huấn Cao mắng. Thêm vào đó, viên quản ngục còn là người có nhân cách cao đẹp. Mặc dù sống và làm việc nơi chốn ngục tù ẩm ướt, nơi cái xấu, cái ác đang từng ngày, từng giờ ngự trị song viên quản ngục vẫn giữ cho mình một tâm hồn cao đẹp, một tấm lòng say mê với cái đẹp, cái tài. Đặc biệt, nhân cách cao đẹp của ông thể hiện rõ nét qua cái chắp tay, cúi đầu bái lĩnh “kẻ mê muội này xin bái lĩnh” của ông sau khi Huấn Cao cho chữ.

     Đặc biệt, khi đọc thiên truyện “Chữ người tử tù” người đọc sẽ không thể nào quên được cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm. Chúng ta vẫn thấy cảnh cho chữ thường diễn ra ở những nơi thanh cao, tao nhã nhưng ở đây, cảnh cho chữ lại diễn ra ngay chốn ngục tù tăm tối, nơi mà cái ác, cái xấu vẫn đang từng giây, từng phút ngự trị “trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” trong một đêm tối tĩnh mịch trước ngày Huấn Cao chịu án tử. Và để rồi, trong nền không gian ấy, hình ảnh ba cái đầu chụm lại với nhau dưới ánh đuốc đỏ rực thật khiến người ta ám ảnh mãi không nguôi. Huấn Cao – người tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Còn viên quản ngục thì đang “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng” và thầy thơ lại “gầy gò, run run bưng chậu mực”. Có lẽ, cảnh cho chữ này là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” bởi lẽ cảnh cho chữ diễn ra nơi chốn ngục tù. Hơn thế nữa, người cho chữ ở đây lại người tử tù đang mang trên mình xiềng xích và chỉ nốt đêm nay thôi, ngày mai sẽ phải đối diện với án tử. Nhưng qua cảnh cho chữ ấy, đã để lại trong chúng ta nhiều suy ngẫm. Nó không chỉ làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của các nhân vật, mà qua đó còn giúp chúng ta hiểu hơn về quan niệm về cái đẹp của nhà văn Nguyễn Tuân. Với Nguyễn Tuân, cái đẹp luôn có khả năng và mang trong mình sức mạnh cảm hóa kì diệu, nó làm cho tất cả phải phục tùng và quỳ gối trước nó và hơn thế, cái đẹp luôn có sức mạnh cảm hóa và hướng thiện con người.

3, Kết bài

     Tóm lại, truyện ngắn “Chữ người tử tù” với việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, sử dụng ngôn ngữ góc cạnh đã cho ta thấy quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp cũng như tài năng của ông trong việc lựa chọn tình huống, xây dựng nhân vật và sử dụng ngôn ngữ.

 

Với bài viết “phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù”, trung tâm hi vọng sẽ cung cấp thêm cho các em một nguồn tài liệu khi tìm hiểu về tác phẩm. Song, các em không nên sao chép nó vào cái bài viết của mình. Nếu thấy bài viết hay, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em rất nhiều!

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988