Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1, Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Dữ (những nét cơ bản về tiểu sử, con người, các sáng tác tiêu biểu,…)
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật,…)
– Giới thiệu những nét khái quát về nhân vật Vũ Nương.
2, Thân bài
a, Vũ Nương là một người vợ thủy chung, hết lòng yêu thương chồng
– Nguyễn Dữ đã giới thiệu Vũ Nương là một người phụ nữ vừa đẹp người, vừa đẹp nết, “tính tình thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” và vì vậy, Trương Sinh đã xin mẹ “đem 100 lạng vàng cưới về”
– Trong cuộc sống ngày thường của hai vợ chồng, Vũ Nương luôn khéo léo ứng xử, nhường nhịn và giữ gìn khuôn phép để cuộc sống gia đình được ấm êm, hạnh phúc bởi nàng biết chồng mình là người “có tính đa nghi”, “đối với vợ phòng ngừa quá mức”
– Khi tiễn chồng đi lính nàng dặn dò chồng tất mực thiết tha, tình nghĩa
– Khi sống xa chồng: Nỗi nhớ chồng như chiếm trọn hết mọi khoảng không gian, thời gian và tâm trí nàng, nỗi nhớ ấy cứ lặp đi lặp lại không nguôi không dứt và nàng luôn mơ về một tương lai được sống cạnh chồng
– Khi bị chồng nghi oan: hết lời phân trần nhưng không có kết quả, nàng lựa chọn cái chết để minh oan cho sự trinh bạch, trong trắng của mình.
– Khi sống dưới thủy cung:
+ Luôn một lòng hướng về chồng, về con, về quê hương và khao khát một ngày được trở về đoàn tụ.
+ Luôn khao khát được trả lại sự trong sạch cho bản thân
+ Dù nhớ thương chồng con, khao khát được đoàn tụ nhưng nàng vẫn quyết giữ lời hứa sống chết bên Linh Phi,
b, Vũ Nương là một người con dâu hiếu thảo, hết lòng yêu thương, phụng dưỡng mẹ chồng
– Thay chồng chăm sóc mẹ già khi đau ốm.
– Khi mẹ chồng mất, nàng lo liệu ma chay chu đáo như đối với cha mẹ mình.
– Tấm lòng của chàng đối với mẹ chồng được khắc họa rõ nét qua lời nói của mẹ chồng trước khi mất “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
c, Vũ Nương là một người mẹ giàu tình yêu thương con
– Thiếu vắng chồng nhưng nàng đã một mình sinh con và nuôi dạy con khôn lớn.
– Nàng hết lòng yêu thương con, không muốn con thiếu thốn tình cảm nên tối nào nàng cũng chỉ lên cái bóng của mình trên vách nhà mà nói “Kìa, cha Đản lại đến thăm Đản kia kìa.”
b, Kết bài
– Khái quát những đặc điểm cơ bản, nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm và nêu cảm nghĩ của bản thân.
1, Mở bài
Nguyễn Dữ là một trong số những tác giả xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam và tác phẩm “Truyền kì mạn lục” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Mỗi câu chuyện trong “Truyền kì mạn lục” đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc và “Chuyện người con gái Nam Xương” – truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của tác phẩm chính là một trong số những truyện đặc sắc nhất. Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” người đọc sẽ không thể nào quên được hình ảnh của Vũ Nương – một người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng lại chịu số phận bất hạnh.
2, Thân bài
Trước hết, trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” Vũ Nương hiện lên trong mối quan hệ với Trương Sinh – chồng của mình và qua đó nàng hiện lên là một người phụ nữ thủy chung, hết lòng yêu thương, quan tâm chồng con. Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả Nguyễn Dữ đã giới thiệu Vũ Nương là một người phụ nữ vừa đẹp người, vừa đẹp nết, “tính tình thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” và có lẽ cũng chính vì vậy, Trương Sinh đã xin mẹ “đem 100 lạng vàng cưới về”. Và đúng như những gì Trương Sinh mong ước, chờ đợi, trong cuộc sống ngày thường của hai vợ chồng, Vũ Nương luôn khéo léo ứng xử, nhường nhịn và giữ gìn khuôn phép để cuộc sống gia đình được ấm êm, hạnh phúc bởi hơn ai hết, nàng biết chồng mình là người “có tính đa nghi”, “đối với vợ phòng ngừa quá mức”.
Cuộc sống vợ chồng êm ấm, hạnh phúc chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải đi lính. Lắng nghe những lời dặn dò chồng thiết tha, nghĩa tình của Vũ Nương trước lúc chồng lên đường người ta mới có thể cảm nhận hết được sự dịu dàng và tình yêu thương chồng vô bờ bến của nàng. Nàng đã đặt hạnh phúc của tổ ấm, của gia đình lên trên hết mà coi thường mọi thứ vinh hoa, danh vọng bên ngoài “Thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Và trong lời bộc bạch của mình nàng như thấy và cảm thông hết bao nỗi gian lao, vất vả mà chồng sẽ phải chịu đựng, phải vượt qua trên hành trình phía trước “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao”. Đặc biệt, nàng cũng gửi gắm nỗi lòng, sự khắc khoải, xa nhớ chồng của mình trước lúc Trương Sinh đi qua những hình ảnh, những câu chữ thật cảm động lòng người “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoan, lại thổn thức tâm tình”.
Không dừng lại ở đó, trong suốt những ngày sống xa chồng, sự thủy chung, son sắt và tình yêu thương, nỗi nhớ chồng của Vũ Nương lại càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ chồng như chiếm trọn hết mọi khoảng không gian, thời gian và tâm trí nàng, nỗi nhớ ấy cứ lặp đi lặp lại không nguôi không dứt “mỗi khi thấy bươm bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” nàng lại “thổn thức tâm tình, buồn thương da diết”. Và trong những ngày tháng ấy, nàng luôn mơ về một tương lai được sống cạnh chồng, như hình với bóng.
Thế nhưng, sau những tháng ngày đằng đẵng xa chồng, một mình nuôi con, chăm mẹ già, những tưởng ngày trở về hai vợ chồng sẽ có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc. Nhưng chỉ vì một câu nói của con mà Trương Sinh nghi oan nàng không còn thủy chung, Vũ Nương đã dùng mọi lời lẽ, phân trần với mong muốn chồng có thể hiểu, có thể cảm nhận được sự trinh bạch và nỗi lòng của mình. Trong lời phân trần của bản thân, nàng đã nhắc đến thân phận của mình và khẳng định tấm lòng thủy chung, trong trắng đối với chồng “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”. Nàng còn hết mực cầu xin chồng đừng nghi oan cho mình nhưng tất cả mọi thứ đều vô nghĩa, vẫn không thể làm thay đổi được suy nghĩ của Trương Sinh. Bất lực và tuyệt vọng, nàng đã mượn bến Hoàng Giang để bày tỏ nỗi lòng của mình “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho tôm cá, trên xin làm cơm cho diều quạ” và lựa chọn cái chết như một sự minh oan cho chính mình.
Suốt những năm tháng sống nơi Thủy cung, nàng vẫn luôn một lòng hướng về chồng, về con, về quê hương và khao khát một ngày được trở về đoàn tụ. Điều đó thể hiện rõ nét qua việc nàng nhận ra Phan Lang là người cùng làng và khi nghe Phan Lang kể chuyện gia đình thì ứa nước mắt. Và hơn ai hết, nàng luôn khao khát được trả lại sự trong sạch cho bản thân, nàng gửi chiếc thoa vàng, nhờ Phan Lang nói với Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Đồng thời, dù nhớ thương chồng con, khao khát được đoàn tụ nhưng nàng vẫn quyết giữ lời hứa sống chết bên Linh Phi, điều đó cho thấy nàng là một người trọng nghĩa tình.
Như vậy, với vai trò là một người vợ, Vũ Nương hiện lên là một người thủy chung, mẫu mực, hết lòng yêu thương chồng. Còn trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng hiện lên là một người con dâu hiếu thảo, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng. Trong những ngày Trương Sinh xa nhà đi lính, Vũ Nương đã thay chồng chăm sóc mẹ chồng khi đau ốm “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ chồng mất, nàng lo liệu ma chay chu đáo như đối với cha mẹ mình. Và tấm lòng của chàng đối với mẹ chồng được khắc họa rõ nét qua lời nói của mẹ chồng trước khi mất “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Cuối cùng, trong mối quan hệ với con, Vũ Nương hiện lên là một người mẹ hết lòng yêu thương con. Thiếu vắng chồng nhưng nàng đã một mình sinh con và nuôi dạy con khôn lớn. Nàng hết lòng yêu thương con, không muốn con thiếu thốn tình cảm nên tối nào nàng cũng chỉ lên cái bóng của mình trên vách nhà mà nói “Kìa, cha Đản lại đến thăm Đản kia kìa.”
3, Kết bài
Tóm lại, với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, đẩy nhân vật vào những tình huống giàu kịch tính cùng cách kể chuyện đặc sắc, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã xây dựng thành công nhân vật Vũ Nương – một người phụ nữ với vẻ đẹp toàn diện trong xã hội phong kiến.
Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Phân tích nhân vật Vũ Nương”mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Với bài viết này, trung tâm mong muốn sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập, ôn luyện tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, tuy nhiên các em không nên sao chép nó vào bài viết của mình nhé. Đừng quên like và share bài viết này các em nhé!
Từ khóa tìm kiếm:
Phân tích Vũ Nương trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương
Dàn ý phân tích Vũ Nương Chuyên Người Con Gái Nam Xương
Văn Mẫu phân tích Vũ Nương
Nhân vật Vũ Nương phân tích
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm