slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Dàn Ý và Bài Văn Phân Tích Rừng Xà Nu – Nguyễn Trung Thành

Bài viết hướng dẫn lập dàn ý phân tích tác phẩm Rừng Xà Nu và bài văn mẫu phân tích Rừng Xà Nu của tác giả Nguyễn Trung Thành. 

Dàn Ý và Bài Văn Phân Tích Rừng Xà Nu - Nguyễn Trung Thành

I. Dàn Ý Bài Viết Phân Tích Tác Phẩm Rừng Xà Nu

1. Mở bài phân tích Rừng Xà Nu

– Giới thiệu chung về tác giả Nguyễn Trung Thành (những nét chính về con người, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác,…)

– Giới thiệu chung về truyện ngắn Rừng xà nu (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật,…)

2. Thân bài phân tích tác phẩm Rừng Xà Nu

a. Hình tượng rừng xà nu, cây xà nu

– Rừng xà nu, cây xà nu là một hình ảnh thực, chân thật.

     + Rừng xà nu được miêu tả một cách cụ thể, gắn với một địa chỉ, một không gian xác thực

     + Rừng xà nu, cây xà nu gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, cuộc sống của dân làng Xô Man.

     + Người Xô Man còn lớn lên dưới bóng cây xà nu, hẹn hò nhau dưới gốc cây xà nu và để rồi, đến lúc chết đi họ cũng yên nghỉ dưới gốc cây xà nu.

– Rừng xà nu, cây xà nu là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho số phận và phẩm chất của con người Xô Man.

     + Cây xà nu là hình ảnh tượng trưng cho số phận đau thương của con người Xô Man.

     + Cây xà nu là loai cây ham ánh sáng mặt trời, luôn hướng mình về phía ánh sáng, cũng giống như những người dân Xô Man luôn hướng tới Đảng, tới cách mạng.

     + Cây xà nu còn là loại cây sinh sôi nảy nở rất khỏe, nó cũng giống như sức sống bất diệt của người dân Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược

b. Các thế hệ anh hùng của làng Xô Man, của mảnh đất Tây Nguyên

– Cụ Mết: biểu tượng của thế hệ anh hùng đi trước, hội tù đầy đủ vẻ đẹp của con người mảnh đất Tây Nguyên.

     + “râu dài đến ngực mà vẫn đen bóng”, “vết sẹo ở má phải”, “đôi bàn tay nặng trịch như kìm sắt”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”, “ồ ồ dội vang trong lồng ngực,… Đồng thời,

     + Là người gan dạ, dũng cảm, quả quyết, thương yêu và hết mực che chở cho người dân làng Xô Man

– Tnú:

     + Tnú là người chiến sĩ thông minh, gan góc và dũng cảm

     + Tnú là người chồng, người cha với tấm lòng yêu thương vợ con sâu sắc

     + Tnú là một người con đầy nghĩa tình của buôn làng Xô Man

– Dít: một cô gái dũng cảm, biết nén đau thương để chờ ngày trả thù giặc.

– Bé Heng: dù còn nhỏ tuổi nhưng rất thông minh và tham gia chống giặc

3. Kết bài 

Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của Rừng xà nu và nêu cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm.

II. Bài Viết Phân Tích Rừng Xà Nu

Bài Viết Phân Tích Rừng Xà Nu

1. Mở bài phân tích bài văn Rừng Xà Nu

     Được mệnh danh là nhà văn của Tây Nguyên, những trang viết của Nguyễn Trung Thành đều mang đậm những đặc sắc của thiên nhiên, con người vùng đất nơi đây, đậm chất sử thi. Và có thể nói, truyện ngắn “Rừng xà nu” in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” là một trong số những sáng tác tiêu biểu của ông. “Rừng xà nu” là câu chuyện kể về cuộc đời Tnú, đặc biệt là cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man và từ đó gợi lên trong chúng ta nhiều suy ngẫm.

2. Thân bài

     Xuyên suốt toàn bộ truyện ngắn “Rừng xà nu” đó chính là hình tượng rừng xà nu, cây xà nu và tác giả Nguyễn Trung Thành đã chú ý miêu tả, khắc họa rõ nét hình tượng cây xà nu. Trước hết, trong tác phẩm, rừng xà nu, cây xà nu là một hình ảnh thực, chân thật. Rừng xà nu được miêu tả một cách cụ thể, gắn với một địa chỉ, một không gian xác thực – rừng cao su bạt ngàn, tít tắp ấy “nằm cạnh ngay con nước lớn”. Không dừng lại ở việc xác định vị trí của cây xà nu, qua những trang viết của Nguyễn Trung Thành còn cho chúng ta thấy rừng xà nu, cây xà nu gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, cuộc sống của dân làng Xô Man. Trong những ngày chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đế quốc Mĩ ném bom dữ dội xuống mảnh đất Tây Nguyên, rừng xà nu cũng chịu chung số phận, chịu chung những nỗi đau với dân làng Xô Man. Đồng thời, cây xà nu xuất hiện trong mọi hoạt động, sinh hoạt của dân làng – khói xà nu xông bảng đen để Tnú cùng Mai học chữ, lửa xà nu có trong mỗi gian bếp của người Strá và cũng chính ngọn lửa xà nu ấy đã chứng kiến cụ Mết kể chuyện cho dân làng nghe, đặc biệt là thắp sáng cho dân làng Xô Man mài giáo mác để đi đánh giặc. Thậm chí, người Xô Man còn lớn lên dưới bóng cây xà nu, hẹn hò nhau dưới gốc cây xà nu và để rồi, đến lúc chết đi họ cũng yên nghỉ dưới gốc cây xà nu.

     Song, trong tác phẩm, rừng xà nu, cây xà nu không chỉ là hình ảnh mang ý nghĩa tả thực mà hơn hết nó còn là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho số phận và phẩm chất của con người Xô Man, bởi lẽ, khi miêu tả cây xà nu tác giả Nguyễn Trung Thành đã sử dụng rộng rãi biện pháp nhân hóa. Trước hết, cây xà nu là hình ảnh tượng trưng cho số phận đau thương của con người Xô Man. Chắc hẳn, những ai đã từng một lần đọc truyện ngắn “Rừng xà nu” sẽ không thể nào quên được đoạn văn mở đầu tác phẩm “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Chỉ một đoạn văn ngắn nhưng có lẽ cũng đủ để diễn tả những vết thương của rừng xà nu, cây xà nu trước sự tàn sát của kẻ thù. Và cũng giống như những cây xà nu kia, khi đế quốc Mĩ xâm lược nước ta, tất cả dân làng Xô Man cũng bị tàn sát như vậy, đó là anh Xút, là bà Nhan, là mẹ con Mai, là Tnú,… – cứ thế hệ này tới thế hệ khác. Đồng thời, cây xà nu còn biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân làng Xô Man. Cây xà nu là loại cây ham ánh sáng mặt trời, luôn hướng mình về phía ánh sáng. Điều đó cũng giống như những người dân Xô Man luôn hướng tới Đảng, tới cách mạng. Thêm vào đó, cây xà nu còn là loại cây sinh sôi nảy nở rất khỏe, nó cũng giống như sức sống bất diệt của người dân Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược, cuộc chiến ấy là một cuộc chạy tiếp sức với sự tham gia của nhiều thế hệ người dân làng Xô Man, đúng như Hoàng Trung Thông đã từng viết:

Ta lại viết bài thơ trên báng súng

Con lớn lên viết tiếp theo cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.

     Bên cạnh hình tượng rừng xà nu, cây xà nu, khi đọc truyện ngắn “Rừng xà nu” chúng ta còn thấy hiện lên một tập thể các thế hệ anh hùng của làng Xô Man và của mảnh đất Tây Nguyên. Trước hết, đọc Rừng xà nu, chắc hẳn chúng ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh cụ Mết – cây xà nu cổ thụ của làng Xô Man. Tác giả Nguyễn Trung Thành đã đi sâu miêu tả ngoại hình của cụ Mết mang dáng dấp của người anh hùng trong sử thi “râu dài đến ngực mà vẫn đen bóng”, “vết sẹo ở má phải”, “đôi bàn tay nặng trịch như kìm sắt”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”, “ồ ồ dội vang trong lồng ngực,… Đồng thời, cụ còn là người gan dạ, dũng cảm, quả quyết, thương yêu và hết mực che chở cho người dân làng Xô Man. Cụ Mết chính là biểu tượng của thế hệ anh hùng đi trước, hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của con người mảnh đất Tây Nguyên. Tiếp nối thế hệ anh hùng của cụ Mết là Tnú, là Mai và có lẽ, Tnú chính là nhân vật hội tụ đầy đủ nhất vẻ đẹp của con người nơi đây, đồng thời anh cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Đầu tiên, Tnú là người chiến sĩ thông minh, gan góc và dũng cảm. Có những lần Tnú bị giặc bắt, bị giặc đánh đập dã man nhưng Tnú nhất quyết không khai ra nửa lời, thậm chí khi bị giặc bắt Tnú còn nuốt luôn lá thư vào bụng. Đặc biệt, Tnú rất dũng cảm và tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng. Bị quân giặc đốt lửa trên mười đầu ngón tay, mặc cho anh cắn nát môi và máu đang chảy trên môi anh nhưng Tnú không thèm kêu, không thèm van nửa lời, vẫn cắn răng chịu đựng nỗi đau ấy. Ở Tnú chúng ta còn thấy hiện lên hình ảnh của một người chồng, người cha với tấm lòng yêu thương vợ con sâu sắc. Khi chứng kiến cảnh mẹ con Mai bị giặc bắt và tra tấn dã man, với đôi bàn tay không, Tnú chẳng thể làm gì để cứu vợ con anh nhưng thái độ và hành động của anh lúc ấy đã diễn tả hết nỗi đau khi vợ con bị đánh đập và xét đến cùng đấy chính là biểu hiện của tình thương yêu vợ con sâu sắc của anh “đã bứt đứt cả hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy (…) ở chỗ con mắt Tnú bây giờ là hai cục lửa lớn”. Và cuối cùng, Tnú là một người con đầy nghĩa tình của buôn làng Xô Man. Khi trưởng thành đi làm cán bộ, rời xa quê hương, bản làng, Tnú luôn mang trong mình nỗi nhớ và tình yêu quê tha thiết, điều đó đã thôi thúc anh xin phép cấp trên về thăm làng dù chỉ một đêm thôi, để anh được dội lên mình giọt nước mát lành ở mảnh đất mình đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Và hơn thế nữa, dường như, Tnú chưa bao giờ quên bất cứ điều gì, cho dù là những điều nhỏ nhất ở mảnh đất nơi đây và mọi kỉ niệm, mọi niềm kí ức, mọi nỗi niềm trong anh cứ như thể theo nhau ùa về “khi nghe tiếng chày chuyên cần, vội vã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xưa, của Mai, của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe thấy rồi”. Thêm vào đó, tiếp nối thế hệ của Tnú, của Mai là Dít – em gái của Mai – một cô gái dũng cảm, biết nén đau thương để chờ ngày trả thù giặc. Và đó còn là bé Heng, dù còn nhỏ tuổi nhưng rất thông minh và tham gia chống giặc. Bé Heng “là lứa xà nu mới mọc nhưng đã nhọ hoắt như lưỡi lê”, là thế hệ mới của dân làng Xô Man, mang trong mình bao khát khao, bao ánh sáng mới. Và như vậy, cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng,… đã cùng nhau tạo nên một tập thể anh hùng của những người con Xô Man.

3. Kết bài

     Tóm lại, với những trang viết đậm chất sử thi cùng lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành đã kể lại một cách chân thực về cuộc đời của Tnú, đặc biệt là của dân làng Xô Man. Từ đó, tác giả đã gửi tới bạn đọc một chân lí đơn giản nhưng cũng hết sức thiêng liêng với dân tộc: “chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”.

 

Trên đây là bài viết “Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Trung tâm hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập và ôn luyện, song các em không nên sao chép nó vào các bài viết của mình. Nếu thấy bài viết này hữu ích, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em!

 

Từ khóa tìm kiếm nhiều :

phân tích rừng xà nu

phân tích tác phẩm rừng xà nu

phân tích bài rừng xà nu

rừng xà nu dàn ý

dàn bài rừng xà nu

dàn ý bài rừng xà nu

dàn ý phân tích bài rừng xà nu

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988