Giới thiệu vấn đề cần giải thích: Nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
– Tác giả: Thanh Hải hoạt động văn nghệ cả hai thời kì chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc nên có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền văn học nước nhà, đặc biệt là văn học miền Nam buổi đầu.
– Tác phẩm: Bài thơ được ông viết trước khi qua đời (trước năm 1980) thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu đất nước và mong ước của nhà thơ.
– Tính từ “nho nhỏ” chỉ kích thước, hình khối đi kèm với một danh từ trừu tượng “mùa xuân”: khiến mùa xuân là khoảng thời gian trừu tượng hiện lên có hình khối, đường nét rõ ràng, được định vị và xác định rõ ràng như một vật thể.
– Đặt trong hoàn cảnh sáng tác, “Mùa xuân nho nhỏ” ở đây là hình ảnh ẩn dụ chỉ cuộc đời nhỏ bé của mỗi con người góp phần làm nên mùa xuân lớn của dân tộc:
+ Mùa xuân: ý nghĩa tả thực, là thời điểm khởi đầu một năm, khi mọi vật sinh sôi nảy nở.
+ Mùa xuân: ý nghĩa biểu tượng, là sức trẻ trong tâm hồn, là nhiệt huyết, là cống hiến của mỗi con người vào mùa xuân lớn của đất nước.
+ Tính từ “nho nhỏ: làm rõ thêm tính chất mùa xuân giản dị, khiêm nhường như tấm lòng nhà thơ.
– Thể hiện phát hiện mới mẻ của ông.
– Thể hiện quan niệm sống về cái riêng và cái chung, cá nhân và cộng đồng. Cổ vũ cho lối sống tính cực: ai cũng cần đóng góp cho cộng đồng, dân tộc.
– Thể hiện mong muốn của nhà thơ: hiến dâng những điều tốt đẹp nhất cho mùa xuân của đất nước dù là những điều nhỏ bé nhất
Khẳng định giá trị, ý nghĩa của nhan đề trong việc tạo nên thành công của tác phẩm.
Trong cuộc đời hoạt động văn học tích cực của mình, nhà thơ Thanh Hải đã không biết bao lần khiến bạn đọc trầm trồ, ngưỡng mộ bởi tài năng và tâm hồn của một người nghệ sĩ đích thực. Hơn tất thảy, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là minh chứng thể hiện thành công nhất cho bút lực tuyệt vời đó. Bài thơ không chỉ gần gũi bởi ngôn từ đơn giản, quen thuộc mà còn bởi những tầng ý nghĩa sâu sắc được nhà thơ gửi gắm. Đặc biệt chỉ với nhan đề bốn tiếng, Thanh Hải đã thực sự bao quát được toàn bộ ý nghĩa của bài thơ. Qua đó, độc giả có thể đến gần hơn với nhịp đập của một trái tim luôn hết lòng vì đời!
Thanh Hải là một trong số ít nhà thơ hoạt động văn nghệ ở cả hai thời kì chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc. Trong suốt chặng đường ấy, ông không ngừng có những đóng góp tích cực cho nền văn học nước nhà buổi đầu, đặc biệt là văn học miền Nam. Bài thơ được sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là thời khắc trước khi nhà thơ qua đời (năm 1980). Có lẽ bởi ra đời tại khoảng khắc ấy nên bài thơ mang trọn vẹn tình yêu cuộc sống, yêu đất nước và mong ước của nhà thơ – mong ước của một trái tim vẫn còn thổn thức, muốn đập vì đời nhiều hơn chút nữa. Khao khát được tận hiến cho đến giây phút cuối cùng kia thật khiến bao người phải cúi đầu ngưỡng mộ.
Trước hết, “mùa xuân” rõ ràng là một danh từ chỉ một khoảng thời gian trừu tượng nhưng nay lại có hình có khối, có kích thước cụ thể khi đi kèm với tính từ “nho nhỏ”. Bất giác, thời gian của vũ trụ ấy được xác định rõ ràng như một vật thể, khiến ta có cảm giác như có thể cầm nắm nó. Đặt vào hoàn cảnh sáng tác riêng, ta mới thấy hết cái hay cái đẹp của nhan đề. “Mùa xuân” thực chất mang ý nghĩa tả thực, là thời điểm khởi đầu của một năm, khi vạn vật sinh sôi nảy nở. Trong bốn mùa, xuân là mùa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, cho những gì tươi đẹp nhất của một năm trời. Mà những điều tốt ấy lại chỉ có thể đánh đổi bằng sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của muôn mầm non cây lá. Với ý nghĩa đó, mùa xuân còn mang ý nghĩa biểu tượng là sức trẻ trong tâm hồn, là nhiệt huyết, là cống hiến của mỗi con người. “Mùa xuân nho nhỏ” ở đây chính là một hình ảnh ẩn dụ chỉ cuộc đời nhỏ bé của mỗi con người góp phần làm nên mùa xuân lớn của dân tộc. Từ láy “nho nhỏ” đã làm rõ thêm tính chất của mùa xuân ấy: giản dị, khiêm nhường như chính tấm lòng nhà thơ vậy. Nhà thơ cho rằng dù mình có cống hiến bao nhiêu, cống hiến cho đời nhiều thế nào đi chăng nữa thì tất cả cũng thật nhỏ bé trước những điều cao cả hơn của cuộc đời. Cả một tầng sâu ý nghĩa ấy lại được cất giấu dưới lớp ngôn từ đơn giản: “Mùa xuân nho nhỏ”.
Qua nhan đề ngắn gọn ấy, Thanh Hải đã thể hiện một phát hiện vô cùng mới mẻ về của ông về cuộc đời. Nói một cách khác, đây chính là quan niệm sống mối quan hệ của cái “tôi” và cái “ta”, của cái riêng và cái chung, cá nhân và cộng đồng. Là một cá thể trong cả một xã quần thể rộng lớn ấy, đã bao giờ bản thân tự nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.”
(Tố Hữu)
Bằng cách đó, nhà thơ đã cổ vũ cho một lối sống tích cực: ai cũng cần đóng góp sức mình cho cộng đồng, dân tộc, dù đó điều nhỏ nhoi hay to lớn, vĩ đại. Cho tới tận khi sắp về với cát bụi, Thanh Hải vẫn mong có cơ hội hiến dâng những điều tốt đẹp nhất cho mùa xuân đất nước và còn gắng sức lan tỏa triết lí cao đẹp ấy tới muôn người. Và không uổng phí những ước mong của nhà thơ, nhân sinh quan sâu sắc kia đã được bạn đọc muôn thế hệ nồng nhiệt đón nhận.
Chưa cần lật dở vào trang thơ, chỉ đến với tiêu đề bài thơ thôi mà độc giả đã phải thổn thức bởi
“phần chìm” của bốn tiếng ấy. “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải rồi sẽ giao hòa với muôn mùa xuân nho nhỏ khác của vạn người, để kết thành mùa xuân vĩnh hằng của dân tộc, của đất nước. Ấy cũng chính là tiếng lòng, là mong ước chung của nhiều người. Mỗi lần nhắc tới nhan đề, ta lại tự giác lại bản thân thêm lần nữa:
“Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!”
Trải qua bao năm tháng, “Mùa xuân nho nhỏ” vẫn vẹn nguyên ý nghĩa như vậy!
Mời các bạn đọc tài liệu Bài văn giải thích nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải hay và nhiều cảm xúc nhất mà trung tâm đã cố gắng biên soạn ra. Đây là một vấn đề rất hay xuất hiện trong các đề thi liên quan đến chương trình Ngữ Văn lớp 9. Cùng với tài liệu này, trung tâm còn dành tặng các bạn nhiều bài văn hữu ích khác để cung cấp nguồn tư liệu phong phú cho quá trình học tập của chúng mình. Hãy cùng chia sẻ cẩm nang học tập này rộng rãi với bạn bè nhé!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm