slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Dàn Ý và Phân Tích Truyện Ngắn Hai Đứa Trẻ Của Thạch Lam

Bài viết hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích truyện ngắn Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam và bài văn phân tích Hai Đức Trẻ xuất sắc của các em học sinh giỏi.

I. Dàn Ý Phân Tích Hai Đứa Trẻ

Dàn Ý và Phân Tích Truyện Ngắn Hai Đứa Trẻ Của Thạch Lam

1, Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Thạch Lam và những đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông.

– Giới thiệu khái quát về truyện ngắn Hai đứa trẻ (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm,…)

2, Thân bài

Bức tranh chiều tàn nơi phố huyện nghèo và tâm trạng của Liên

– Bức tranh thiên nhiên:

+ Âm thanh: tiếng trống thu không[1] trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều”, “một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”,“muỗi đã bắt đầu vo ve”.

+ Hình ảnh, màu sắc: “phương tây đỏ rực như lửa cháy”, “những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”,“dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời”.

=> Bức tranh thiên nhiên chiều tàn nơi phố huyện vừa thơ mộng, trữ tình, giàu chất thơ vừa thoang thoảng đâu đó nét đượm buồn ,vắng lặng.

– Hình ảnh phiên chợ tàn: gợi lên trong người đọc hình ảnh một phố huyện nghèo nàn, xơ xác và thật tàn tạ

– Hình ảnh con người: hình ảnh những đứa trẻ nhà quanh chợ “cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi”, là mẹ con chị Tí với gánh hàng nước vắng khách, là gia đình bác Siêu với gánh phở, là gia đình bác Xẩm với chiếu hát, là chị em Liên với quán hàng xén, là bà cụ Thi điên,…

– Tâm trạng của Liên: “Liên thấy động lòng thương cảm”

Bức tranh cảnh vật và cuộc sống của những con người nơi phố huyện lúc đêm khuya

– Bút pháp tương phản đối lập giữa ánh sáng và bóng tối được sử dụng thành công:

+ Ánh sáng: leo lét, ánh sáng toát lên mà không biết sẽ vụt tắt lúc nào, nó chỉ là những khe sánh, quầng sáng, chấm lửa nhỏ, hột sáng…

+ Bóng tối: đen đặc, bao phủ khắp mọi nẻo đường nơi phố huyện “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”, “Tối hết con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa”.

=> Bóng tối ấy đã bủa vây lấy cuộc sống của những con người nơi đây

– Hình ảnh những con người nơi phố huyện: buồn tẻ, đơn điệu, tẻ nhạt, lặp đi lặp lại hằng ngày một công việc, một suy nghĩ, một ước ao

Cảnh đợi tàu và tâm trạng của chị em Liên khi chuyến tàu đêm đi qua

– Cảnh tượng đặc biệt và có ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm

– Chờ chuyến tàu đêm đi qua mỗi đêm đã trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống của những con người nơi đây. Họ chờ chuyến tàu ấy đi qua mỗi đêm cũng đúng thôi, bởi với họ, chuyến tàu ấy “mang đến một thế giới khác”

– Với chị em Liên, chuyến tàu ấy còn gợi về trong họ bao kỉ niệm đẹp đẽ, ấm áp của tuổi thơ.

– Qua cảnh đợi tàu cho chúng ta thấy tấm lòng nhân đạo, trắc ẩn và giàu yêu thương của nhà văn Thạch Lam.

3, Kết bài

– Khái quát giá trị nội dung (giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo) và giá trị nghệ thuật của truyện ngắn Hai đứa trẻ

– Cảm nhận của bản thân về tác phẩm và các nhân vật trong tác phẩm cùng cách kể chuyện của nhà văn.

II. Bài Viết Phân Tích Truyện Ngắn Hai Đứa Trẻ

1, Mở bài

     Nhận xét về văn Thạch Lam, nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nói “Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng…Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy…” Quả thực, những lời nhận xét ấy của Vũ Ngọc Phan đã khái quát cho chúng ta về những đặc điểm con người và sáng tác của Thạch Lam. Và có thể nói, truyện ngắn Hai đứa trẻ (trích tập Nắng trong vườn) là một trong số những minh chứng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.

2, Thân bài

     Mở đầu truyện ngắn Hai đứa trẻ người đọc sẽ không thể nào có thể quên được bức tranh đời sống nơi phố huyện nghèo nàn vào buổi chiều tàn. Tác phẩm bắt đầu bằng những cây văn miêu tả thiên nhiên nơi phố huyện ấy với tất cả hình ảnh, màu sắc, đường nét và âm thanh. Đó là âm thanh của tiếng trống thu không[1] trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều”, là âm thanh của tiếng ếch nhái “một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào và âm thanh của tiếng muỗi kêu “muỗi đã bắt đầu vo ve”. Đó là hình ảnh của bầu trời, của “phương tây đỏ rực như lửa cháy”, của “những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” và của “dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời”. Tất cả, tất cả những hình ảnh, những âm thanh và sắc màu ấy quyện hòa vào nhau vẽ nên một bức tranh thiên nhiên chiều tàn nơi phố huyện vừa thơ mộng, trữ tình, giàu chất thơ vừa thoang thoảng đâu đó nét đượm buồn vắng lặng. Bức tranh thiên nhiên ấy được Thạch Lam miêu tả bằng hàng loạt câu văn giàu hình ảnh, nhẹ nhàng, chậm rãi và tràn đầy chất thơ.

     Và để rồi, trên cái nền của bức tranh thiên nhiên ấy, hình ảnh của phiên chợ tàn và cuộc sống của những con người nơi phố huyện nghèo ấy hiện lên thật rõ nét và để lại ám ảnh sâu sắc trong lòng bạn đọc. Hình ảnh phiên chợ tàn gợi lên trong người đọc hình ảnh một phố huyện nghèo nàn, xơ xác và thật tàn tạ – Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá,…”. Nhưng có lẽ, cái tẻ nhạt, đơn điệu của phố huyện càng được thể hiện rõ nét qua hình ảnh của những con người nơi đây. Đó là hình ảnh những đứa trẻ nhà quanh chợ “cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi”, là mẹ con chị Tí với gánh hàng nước vắng khách, là gia đình bác Siêu với gánh phở, là gia đình bác Xẩm với chiếu hát, là chị em Liên với quán hàng xén, là bà cụ Thi điên,… Tất cả những con người ấy là sự hiện diện đầy đủ và là minh chứng xác thực nhật về cuộc sống nghèo nàn, vất vả, đơn điệu và tẻ nhạt của những con người nơi phố huyện nghèo.

     Trước khung cảnh của cảnh vật và con người nơi phố huyện lúc chiều tàn, lòng Liên động lòng thương cảm và trắc ẩn. Đó chính là tấm lòng yêu thương những người cùng cảnh ngộ. “Liên thấy động lòng thương cảm” – thương những đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ, thương những cảnh đời vất vả nơi phố huyện và thương cho cả chính bản thân mình.

     Không chỉ miêu tả bức tranh phố huyện lúc chiều tàn mà tác giả còn khắc họa bức tranh cuộc sống và con người nơi phố huyện vào lúc đêm khuya. Để làm nổi bật không gian nơi phố huyện vào lúc đêm khuya, tác giả Thạch Lam đã sử dụng thành công thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối – một nét đặc trưng của văn học lãng mạn. Có lẽ trong suốt tác phẩm, hình ảnh ánh sáng xuất hiện không nhiều mà có chăng đó cũng chỉ là những ánh sáng leo lét, ánh sáng toát lên mà không biết sẽ vụt tắt lúc nào, nó chỉ là những khe sánh, quầng sáng, chấm lửa nhỏ, hột sáng… Những ánh sáng ấy chả là gì so với màn đêm đen đặc ngoài kia, bao phủ khắp mọi nẻo đường nơi phố huyện “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”, “Tối hết con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối ấy đã bủa vây lấy cuộc sống của những con người nơi đây và có lẽ nó cũng đủ để gợi lên trong chúng ta cái vất vả của những con người nơi phố huyện. Và giữa màn đêm đen đặc ấy, hình ảnh của con người lại hiện lên thật nhỏ bé, thật cô đơn, leo lét và không lối thoát. Đó là hình ảnh mẹ con chị Tí đang dọn hàng nước,  là hình ảnh gia đình Xẩm “ngồi trên manh chiếu rách, cái thau sắt để trước mặt”, “Góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật trong im lặng”, là chị em Liên đang ngồi canh quán hàng xén ế khách với niềm ước ao, khao khát ngày qua ngày cứ thế lặp đi lặp lại nhàm chán và tẻ nhạt. Là mong ước “những người phu gạo, phu xe, mấy chú lính lệ vào hàng uống bát chè tươi và hút điếu thuốc lào” và mong ước rằng sẽ có một cái gì đó tươi sáng, tốt đẹp hơn cho cuộc đời của họ. Và như vậy, với giọng điệu chậm rãi, buồn thương, tha thiết, Thạch Lam đã tái hiện lại một cách chân thực bức tranh cuộc sống tù túng, tẻ nhạt, đơn điệu của những con người nơi phố huyện lúc đêm tối và qua đó thể hiện niềm thương cảm của ông với những kiếp người nhỏ bé, vất vả, cơ cực nơi phố huyện nghèo.

     Đặc biệt, khi đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ người đọc sẽ không thể nào quên được cảnh đợi tàu – một cảnh tượng đặc biệt và có ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm. Đêm nào cũng vậy, dù chuyến tàu đêm từ Hà Nội đi qua phố huyện rất khuya, ấy vậy mà cả chị em Liên và những con người nơi đây đều chờ nó đi qua. Có lẽ, chờ chuyến tàu đêm đi qua mỗi đêm đã trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống của những con người nơi đây. Họ chờ chuyến tàu ấy đi qua mỗi đêm cũng đúng thôi, bởi với họ, chuyến tàu ấy “mang đến một thế giới khác” – một thế giới tươi sáng hơn, một thế giới tốt đẹp hơn, là cái thế giới mà từng ngày, từng giờ họ vẫn đang ước ao một lần được chạm tới. Nhưng có lẽ, đặc biệt hơn với chị em Liên, bởi chuyến tàu ấy đi qua còn đem đến, còn gợi lại trong kí ức của chị em cô những kỉ niệm tuổi thơ tươi vui, ấm áp. Hơn thế, cảnh đợi tàu cũng giúp chúng ta hiểu thêm về tấm lòng nhân đạo, sự cảm thương và trân trọng những ước mơ, khát khao bình dị, chính đáng với những số phận cơ cực của nhà văn Thạch Lam.

3, Kết bài

     Tóm lại, với ngôn ngữ nhẹ nhàng, tinh tế, giàu chất thơ, cốt truyện đơn giản và việc sử dụng thành công thủ pháp tương phản đối lập, truyện ngắn Hai đứa trẻ không chỉ tái hiện lại một cách chân thực về hiện thực cuộc sống của những con người nơi phố huyện nghèo mà qua đó còn thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, tấm lòng trắc ẩn, cảm thương với những số phận cơ cực, vất vả, lam lũ của nhà văn Thạch Lam.

___HẾT___

 

 Trên đây là bài viết “Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Trung tâm hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập và ôn luyện bài học nhưng các em không nên sao chép nó vào các bài làm của mình. Nếu thấy bài viết này hay, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em!

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988