slogan của trung tâm gia sư Hà Nội Giỏi
Gioi thieu trung tâm gia sư Quy trinh dich vu Che do cham soc dich vu Hoi dap dich vu Dang ky dich vu

Dàn Ý Thuyết Minh Về Chiếc Nón Lá Của Người Việt Nam

Cách lập dàn ý thuyết minh về chiếc nón lá của người Việt Nam, và bài văn thuyết minh về nón là cổ truyền, một di sản văn hóa của người Việt.

I. Dàn Ý Thuyết Minh Về Nón Lá Việt Nam

1, Mở bài

Giới thiệu khái quát về đối tượng cần thuyết minh – chiếc nón lá Việt Nam

2, Thân bài

a, Nguồn gốc và lịch sử ra đời của nón lá

– Hình ảnh của chiếc nón lá đã xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng 2500 – 3000 năm trước công nguyên, trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và trên những thạp đồng Đào Thịnh.

– Ngày nay, trên khắp cả nước ta, vẫn còn lại nhiều làng nghề làm nón truyền thống.

b, Những đặc điểm chủ yếu của nón lá

– Nón lá được làm từ nhiều loại lá khác nhau như lá cọ, rơm, lá tre, lá buông,… và nhiều nhất lá lá nón

– Thường có hình chóp nhọn, có chiều cao khoảng 25-35 xăng-ti-mét song có một số loại nón – nhất là nón quai thao thường rộng bản hơn và đỉnh phẳng hơn.

– Nón lá thường được có quai nón – làm bằng nhung hoặc lụa đi kèm để giữ nón thăng bằng, không bị bay đi.

c, Cách làm nón lá

– Làm khung nón: Khung nón thường có hình chóp và được làm bằng gỗ, tùy theo mỗi vùng miền, mỗi loại nón mà có những khung nón khác nhau

– Chuốt tre và làm vành nón: tre để làm vành nón phải là tre tươi, chúng được chuốt nhẵn bóng, uốn thành hình vòng tròn, có đường kính lớn bé khác nhau, để khi ghép chúng lại với nhau có thể tạo thành hình chóp của nón

– Xếp vành nón vào khung nón, sau đó phủ lá nón lên bên ngoài và bắt đầu khâu chúng lại với nhau.

– Sau khi đã khâu xong các lớp lá người ta thường dùng một lớp dầu quét lên trên bề mặt của nón.

– Ngày nay, bên trong của nón lá người ta còn khâu thêm vào đây những bức tranh thiếu nữ hay danh lam, thắng cảnh của Việt Nam.

d, Vai trò, vị trí của nón lá trong đời sống sinh hoạt, tinh thần của người dân Việt Nam

– Che mưa, che nắng hằng ngày

– Xuất hiện trong đám cưới – là vật dụng không thể thiếu của cô dâu khi về nhà chồng

– Góp phần điểm tô vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt

– Nón lá như trở thành một món quà, một vật kỉ niệm mà những du khách nước ngoài khi tới thăm Việt Nam muốn mang về đất nước mình.

– Nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa,…

3, Kết bài

Khái quát lại đặc điểm, ý nghĩa của chiếc nón lá và nêu cảm nghĩ của bản thân về chiếc nón lá Việt Nam.


Các bài văn THUYẾT MINH hay khác

II. Bài Viết Thuyết Minh Về Nón Lá Việt Nam

1, Mở bài

Nón này che nắng che mưa

Nón nầy để đội cho vừa đôi ta

                                                      (Ca dao)

Câu ca dao ấy từ ngàn đời nay đã đi sâu vào tâm khảm của hàng triệu, hàng triệu người con đất Việt mỗi khi nhắc tới chiếc nón lá. Và có thể nói, chiếc nón cùng với chiếc áo dài thướt tha, dịu dàng làm nên nét đặc trưng trong trang phục của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

2, Thân bài

Từ xa xưa đến nay, chiếc nón lá vẫn luôn là vật dụng quen thuộc của những người con đất Việt song không ai có thể xác định chính xác thời điểm ra đời của chiếc nón lá Việt Nam là lúc nào. Đi sâu tìm hiểu, khám phá nguồn gốc ra đời của nón lá, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh của chiếc nón lá đã xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng 2500 – 3000 năm trước công nguyên, trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và trên những thạp đồng Đào Thịnh. Và trải qua một thời gian dài, chiếc nón lá vẫn còn đó, đồng hành với những người phụ nữ Việt Nam và trở thành một biểu tượng, một nét đẹp văn hóa trong trang phục của người phụ nữ Việt. Ngày nay, trên khắp cả nước ta, vẫn còn lại nhiều làng nghề làm nón truyền thống.

Trải qua các thời kì lịch sử, nón lá cũng theo đó thay đổi và được làm từ nhiều loại lá khác nhau như lá cọ, rơm, lá tre, lá buông,… và nhiều nhất lá lá nón. Nhưng dù được làm từ nguyên liệu nào đi chăng nữa thì nó vẫn có những cấu tạo và đặc điểm chung. Nón lá thường có hình chóp nhọn, có chiều cao khoảng 40-50 xăng-ti-mét song có một số loại nón – nhất là nón quai thao thường rộng bản hơn và đỉnh phẳng hơn. Nón lá là sự kết hợp tỉ mỉ, khéo lẻo của những chiếc lá nón xếp thành hình chóp xung quanh khung nón bằng các nan tre mỏng bởi bàn tay tài hoa của những người thợ làm nón. Nón lá thường được có quai nón – làm bằng nhung hoặc lụa đi kèm để giữ nón thăng bằng, không bị bay đi.

 Nhìn chiếc nón đơn giản là thế song để làm nên nó phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, cẩn thận của những người thợ. Trước hết, để làm được một cái nón những người thợ phải làm khung nón. Khung nón thường có hình chóp và được làm bằng gỗ, chắc chắn và tùy theo mỗi vùng miền, mỗi loại nón mà có những khung nón khác nhau. Khi đã có khung nón, người ta bắt tay vào làm vành nón. Vành nón là những thanh tre nhỏ, được mài nhẵn bóng, trông rất đẹp mắt. Những thanh tre để làm vành nón phải là tre tươi, chúng được uốn thành hình vòng tròn, có đường kính lớn bé khác nhau, để khi ghép chúng lại với nhau có thể tạo thành hình chóp của nón. Thông thường, mỗi chiếc nón thường có mười sáu vành. Sau khi đã làm xong vành nón, người ta xếp chúng vào khung nón theo đúng thứ tự rồi dùng lá nón phủ bên ngoài. Người thợ thủ công khéo léo lấy từng lá nón, làm phẳng chúng rồi xếp chúng vào bên ngoài vành nón đã được sắp vào khung nón sau đó dùng kéo cắt chéo phần trên của lá và dùng kim chỉ kết chúng lại với nhau. Thông thường, mỗi lớp nón như vậy có từ 24-25 chiếc lá nón và số lớp lá của một chiếc nón có thế khác nhau, tùy vào từng loại nón, từng làng nghề và mục đích sử dụng chúng. Sau khi đã khâu xong các lớp lá để tạo thành chiếc nón lá hình chóp, người ta thường dùng một lớp dầu quét lên trên bề mặt của nón. Việc làm này không những làm cho chiếc nón trở nên đẹp, bóng bẩy hơn mà nó còn giúp cho nón được bền hơn. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, bên trong của nón lá người ta còn khâu thêm vào đây những bức tranh thiếu nữ hay danh lam, thắng cảnh của Việt Nam.

Từ xa xưa đến nay, nón lá vẫn luôn là vật dụng gần gũi, gắn bó thân thiết với người phụ nữ Việt Nam và nó có vai trò, ý nghĩa rất đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đất Việt. Nón lá không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng cho con người mà nó còn xuất hiện trong các đám cưới – là một vật dụng không thể thiếu của cô dâu khi về nhà chồng và chắc có lẽ bởi vậy ca dao mới có câu:

Cưới nàng đội nón Gò Găng

Xếp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn

Thêm vào đó, chiếc nón lá cũng góp phần điểm tô nét đẹp dịu dàng, duyên dáng, kín đáo và đằm thắm của người con gái Việt Nam và nó cùng với chiếc áo dài trở thành trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và là một trong những biểu tượng cho nền văn hóa đất Việt:

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón

Chiều mùa thu mây che có nắng đâu

Đặc biệt, hiện nay, trên đất nước ta vẫn còn lại nhiều làng nghề làm nón từ lâu đời như làng Đồng Di (Phú Vang), Dạ Lê (Hương Thủy), Phủ Cam (Huế),… đó chính là những điểm đến thu hút khách du lịch. Và để rồi, nón lá như trở thành một món quà, một vật kỉ niệm mà những du khách nước ngoài khi tới thăm Việt Nam muốn mang về đất nước mình. Đồng thời, chiếc nón lá cũng trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa, với nhiều tác phẩm nổi tiếng.

3, Kết bài

Tóm lại, chiếc nón lá là một biểu tượng đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Dù cuộc sống của chúng ta ngày càng phát triển nhưng vẫn không có gì có thể thay thế được ý nghĩa của chiếc nón lá trong trái tim của hàng triệu, hàng triệu những người con đất Việt và cả bạn bè trên khắp thế giới mỗi khi nhớ về Việt Nam.

 

Trên đây là bài viết “Thuyết minh về nón lá Việt Nam” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Với bài viết này, trung tâm hi vọng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập và làm bài tập, nhưng các em không nên sao chép nó vào các bài viết của mình. Nếu thấy bài viết hữu ích, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em!

Bình Luận Facebook

bình luận

Rate this post

Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988

.

trẻ tự kỷ



Bài viết được xem nhiều nhất

Liên Kết

  • Trung tâm gia sư đại học khoa học xã hội và nhân văn
  • Trung tâm gia sư Ngoại Thương
  • Trung tâm gia sư sư phạm Hà Nội
  • Trung tâm gia sư đại học DƯợc Hà Nội
  • thao duoc hong hanh
  • gia su bach khoa
  • gia su tieu hoc
0979481988