Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1, Mở bài
Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm
2, Thân bài
a, Vị trí và nguồn gốc lịch sử của hồ Hoàn Kiếm
– Một hồ nước ngọt nằm ở trung tâm của thủ đô Hà Nội.
– Từ trước đến nay, hồ này có nhiều tên gọi khác nhau như hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng, hồ Hữu Vọng
– Đầu thế kỉ XV hồ mới có tên gọi là hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Gươm), tên gọi này xuất phát từ truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần.
b, Giới thiệu những đặc điểm của hồ Hoàn Kiếm
– Diện tích khoảng 12 héc-ta, ở vị trí kết nối các con phố cổ của thủ đô Hà Nội.
– Nước hồ Hoàn Kiếm suốt bốn mùa đều xanh ngắt.
– Xung quanh hồ cây cối bốn mùa xanh ngắt, tươi tốt, mỗi mùa mỗi loài khác nhau.
c, Những công trình kiến trúc và di tích gắn liền với hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm là một quần thể rộng lớn, bao gồm nhiều di tích, nhiều cảnh quan khác nhau
– Tháp Rùa: tháp nổi giữa lòng hồ Hoàn Kiếm, quanh năm cỏ mọc xanh tươi và tương truyền đây chính là nơi Rùa thần lên nghỉ ngơi.
– Đền Ngọc Sơn: ngôi đền được xây dựng trên đảo Ngọc vào thế kỉ XIX. Ban đầu, đây là ngôi chùa với tên gọi là Chùa Ngọc Sơn nhưng về sau không thờ phật nữa mà chuyển sang thờ thánh Văn Xương và Trần Văn Đạo nên nó được đổi tên là Đền Ngọc Sơn.
– Cầu Thê Húc: cây cầu màu đỏ, “cong cong như con tôm, dẫm vào đền Ngọc Sơn”.
– Ngoài ra, trong quần thể của hồ Hoàn Kiếm còn có Đài Nghiên, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, Thủy Tạ,…
d, Ý nghĩa của hồ Hoàn Kiếm
– Hồ Hoàn Kiếm vẫn luôn là một di tích lịch sử, một địa danh du lịch nổi tiếng hấp dẫn thu hút du khách trong nước và du khách thập phương về tham quan.
– Hồ Hoàn Kiếm đã góp mình tạo nên bức tranh một thủ đô Hà Nội vừa văn minh, vừa hiện đại vừa cổ kính.
– Nguồn cảm hứng bất tận cho thi, ca, nhạc, họa với nhiều tác phẩm nổi tiếng
3, Kết bài
Khái quát lại vị trí, ý nghĩa của hồ Hoàn Kiếm và nêu cảm nhận của bản thân.
1, Mở bài
Nhác trông lên chốn kinh đô
Kìa đền Quán Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm
(Ca dao)
Câu ca dao quen thuộc ấy đã đi vào trái tim và tiềm thức của hàng triệu, hàng triệu người dân Việt Nam. Để rồi, mỗi lần nhắc tới chốn “kinh đô”, nhắc tới thủ đô Hà Nội chắc hẳn sẽ không ai có thể quên được hình ảnh của hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm).
2, Thân bài
Như chúng ta đã biết, hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là hồ Gươm là một hồ nước ngọt nằm ở trung tâm của thủ đô Hà Nội. Từ trước đến nay, hồ này có nhiều tên gọi khác nhau như hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng, hồ Hữu Vọng và đến những năm đầu thế kỉ XV hồ mới có tên gọi là hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Gươm). Tên gọi hồ Hoàn Kiếm xuất phát từ truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần. Chuyện kể rằng, vào thời giặc Minh xâm lược, đô hộ nước ta làm cho tình cảnh của nhân dân ta hết sức cơ cực, nhiều phong trào đấu tranh đã nổ ra trong đó có khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Lúc đầu, phong trào đấu tranh của nghĩa quân do Lê Lợi đứng đầu liên tiếp thất bại, sau khi được Đức Long quân cho mượn gươm báu thì liên tiếp giành thắng lợi. Sau khi đánh tan quân xâm lược, Lê Lợi dạo thuyền chơi trên hồ thì Rùa thần lên đòi lại gươm báu, Lê Lợi trao gươm cho Rùa thần và kể từ đấy, hồ này có tên là hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm.
Hồ Hoàn Kiếm có diện tích khoảng 12 héc-ta, ở vị trí kết nối các con phố cổ của thủ đô Hà Nội. Không giống với các hồ nước tự nhiên khác, nước hồ Hoàn Kiếm suốt bốn mùa đều xanh ngắt. Xung quanh hồ cây cối bốn mùa xanh ngắt, tươi tốt, mỗi mùa mỗi loài khác nhau. Đó là những cây phượng vĩ mỗi dịp hè về khoe sắc màu đỏ rực, là những rặng liễu xanh rủ bóng mình xuống dòng nước hồ xanh mát. Và thêm vào đó, những loài hoa đua nhau khoe sắc, tỏa hương, điểm tô cho vẻ đẹp cổ kính của hồ. Đặc biệt, ở giữa hồ có một gò đất nổi, người ta xây lên đó một tòa tháp gọi là tháp Rùa.
Đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm là một quần thể rộng lớn, bao gồm nhiều di tích, nhiều cảnh quan khác nhau chứ không phải là một cá thể độc lập. Dân gian ta từ xưa đến nay thường có câu:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc xem đền Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này!
Bài ca dao ấy của nhân dân ta đã phần nào giúp chúng ta thấy được những cảnh quan, những di tích trong quần thể với hồ Hoàn Kiếm. Đó là Tháp Rùa, tháp nổi giữa lòng hồ Hoàn Kiếm, quanh năm cỏ mọc xanh tươi và tương truyền đây chính là nơi Rùa thần lên nghỉ ngơi. Đó là đền Ngọc Sơn, ngôi đền được xây dựng trên đảo Ngọc vào thế kỉ XIX. Ban đầu, đây là ngôi chùa với tên gọi là Chùa Ngọc Sơn nhưng về sau không thờ phật nữa mà chuyển sang thờ thánh Văn Xương và Trần Văn Đạo nên nó được đổi tên là Đền Ngọc Sơn. Cầu Thê Húc là cây cầu màu đỏ, “cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn”. Ngoài ra, trong quần thể của hồ Hoàn Kiếm còn có Đài Nghiên, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, Thủy Tạ,… Tất cả chúng quyện hòa vào nhau tạo nên vẻ đẹp và sức sống lâu đời cho hồ Hoàn Kiếm.
Có thể nói, từ xưa đến nay, hồ Hoàn Kiếm vẫn luôn là một di tích lịch sử, một địa danh du lịch nổi tiếng hấp dẫn thu hút du khách trong nước và du khách thập phương về tham quan. Dường như, hồ Hoàn Kiếm đã góp mình tạo nên bức tranh một thủ đô Hà Nội vừa văn minh, hiện đại vừa cổ kính. Thêm vào đó, nơi đây cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi, ca, nhạc, họa với nhiều tác phẩm nổi tiếng và có sức sống lâu bền, mãi mãi với năm tháng. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, những khu phố quanh hồ Hoàn Kiếm đang ngày càng phát triển, trở thành những trung tâm buôn bán song hình ảnh hồ Hoàn Kiếm vẫn còn mãi nguyên giá trị văn hóa lịch sử của mình và hơn thế nữa, nó như trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay của thủ đô Hà Nội và của cả đất nước, dân tộc Việt Nam.
3, Kết bài
Tóm lại, hồ Hoàn Kiếm là một trong những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, thu hút hàng triệu khách du lịch thập phương. Chính nơi đây đã góp phần điểm tô làm rạng rỡ thêm cho vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Trung tâm hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập nhưng các em không nên sao chép nó vào các bài viết của mình. Nếu thấy hay, các em nhớ like và share bài viết nhé!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm