Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1, Mở bài
Giới thiệu chung về cây tre.
2, Thân bài
Nguồn gốc và những đặc điểm của cây tre
– Nguồn gốc: tre là một trong số những loài cây thuộc bộ Hòa thảo, họ tre, thuộc nhóm thực vật nhóm thực vật thân xanh, sống lâu năm
– Tre có nhiều loại khác nhau như tre mạnh tông, tre gai, tre vàng sọc, tre tàu và trúc
– Những đặc điểm cơ bản của cây tre:
+ Rễ chùm, thường sống rất lâu
+ Sống thành từng lũy, từng khóm chứ không sống riêng rẽ từng cây một
+ Thân tre thường cao từ 8 đến 10 mét và thẳng đứng, nhẵn bóng, rỗng ở bên trong và chia thành nhiều đốt khác nhau, mỗi đốt có độ dài khoảng 10 xăng-ti-mét
+ Lá tre dài, mỏng, dẹt và có một đầu nhọn sắc. Màu sắc của lá tre thay đổi theo thời gian.
+ Tre là loài cây có hoa nhưng hoa tre chỉ xuất hiện một lần duy nhất vào cuối đời của cây tre.
Vai trò, vị trí và ý nghĩa của cây tre
– Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt của dân tộc, tre trở thành người bạn đồng hành, cùng chiến đấu và chúng kiến biết bao hi sinh, mất mát cùng những chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta
– Tre còn là loài cây được sử dụng nhiều trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hằng ngày của người dân quê Việt Nam: làm cột kèo trong các ngôi nhà, làm rổ rá, làm giá để dồ, làm chõng, làm máng nước, bờ rào,… và nhiều vật dụng khác trong sản xuất nông nghiệp
– Tre được dùng để chế tác đồ mĩ nghệ thủ công, làm đũa tre, tăm tre. Nhiều sản phẩm sản xuất từ tre đã được xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại hiệu quả cao về kinh tế.
– Được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm thơ ca và là biểu tượng xuất sắc cho những vẻ đẹp của người dân Việt Nam – đoàn kết, tình nghĩa, kiên cường, giàu ý chí, nghị lực vươn lên
3, Kết bài
Khái quát về cây tre Việt Nam và nêu cảm nghĩ của bản thân về nó.
1, Mở bài
Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh.
Hai câu thơ ấy như đã khái quát một cách đầy đủ nhất về hình ảnh cây tre vốn quen thuộc, bình dị và gần gũi với những làng quê Việt Nam. Và để rồi, mỗi lần nhắc tới chốn làng quê bình yên ấy mỗi người chúng ta lại nhớ đến hình ảnh cây tre như một lẽ tự nhiên.
2, Thân bài
Tre là loài cây có từ lâu đời ở hầu hết các vùng quê trên đất nước Việt Nam. Xét về nguồn gốc, tre là một trong số những loài cây thuộc bộ Hòa thảo, họ tre. Đồng thời, nó là thuộc nhóm thực vật nhóm thực vật thân xanh, sống lâu năm. Tre có nhiều loại khác nhau như tre mạnh tông, tre gai, tre vàng sọc, tre tàu và trúc, song chúng đều mang những đặc điểm chung. Trước hết, tre là một trong số những loài cây rễ chùm, thường sống rất lâu và sống thành từng lũy, từng khóm chứ không sống riêng rẽ từng cây một. Thân tre thường cao từ 8 đến 10 mét và thẳng đứng, nhẵn bóng, chia thành nhiều đốt khác nhau, mỗi đốt có độ dài khoảng 10 xăng-ti-mét. Bên trong thân cây thường rỗng và có các màng trăng bên trong. Tùy vào từng loài tre khác nhau và độ dài của thân tre có thể thay đổi như tre gai thường thấp hơn các loài tre khác. Lá cây tre thường dài, mỏng và dẹt, một đầu của lá tre thường thon nhọn như mũi dao. Lúc mới ra lá tre thường có màu xanh và theo thời gian, lá tre dần chuyển sang màu vàng và rụng đi để những lá mới mọc lên. Lá tre thường mọc theo tán gồm có năm chiếc lá kết lại với nhau thành chùm. Tre cũng là một loài cây có hoa nhưng chắc hẳn ít ai có thể nhìn thấy hoa tre bởi lẽ hoa tre rất ít khi nở, thông thường nó chỉ nở hoa từ 5 đến 60 năm một lần duy nhất vào cuối đời. Với những điểm nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng tre là loài cây rất dễ sống và phát triển, nó có thể tồn tại ở bất cứ điều kiện khắc nghiệt nào của thiên nhiên.
Có thể nói, tre là một trong số những loài cây có vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của những người dân nơi làng quê Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung từ xa xưa cho đến tận ngày nay. Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt của dân tộc, tre trở thành người bạn đồng hành, cùng chiến đấu và chúng kiến biết bao hi sinh, mất mát cùng những chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta. Và có lẽ không quá lời khi Thép Mới trong “Cây tre Việt Nam” đã từng viết: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người ! Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!” Không chỉ là người bạn đồng hành cùng nhân dân ta trong các cuộc chiến đấu gian khổ, tre còn là loài cây được sử dụng nhiều trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hằng ngày của người dân quê Việt Nam. Tre được dùng làm cột kèo trong các ngôi nhà, làm rổ rá, làm giá để dồ, làm chõng, làm máng nước và nhiều vật dụng khác trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tre còn được sử dụng để làm bờ rào, che chắn ruộng, nương, nhà cửa và để làm củi đun nấu trong nhà. Đặc biệt ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ cùng bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ thủ công, tre được dùng để chế tác đồ mĩ nghệ thủ công, làm đũa tre, tăm tre. Nhiều sản phẩm sản xuất từ tre đã được xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Thêm vào đó, tre là một trong số những loài cây được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm thơ ca và là biểu tượng xuất sắc cho những vẻ đẹp của người dân Việt Nam – đoàn kết, tình nghĩa, kiên cường, giàu ý chí, nghị lực vươn lên, đúng như nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ “Tre Việt Nam” từng viết:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cảnh rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
3, Kết bài
Tóm lại, tre là loài cây gần gũi và có vị trí đặc biệt trong lòng của hàng triệu, hàng triệu người con Việt Nam. Dẫu thời gian có trôi đi, đất nước chúng ta ngày càng phát triển và xuất hiện nhiều vật dụng hiện đại cùng với sự xuất hiện của bê tông, cốt thép nhưng tre vẫn mãi còn đó như một chứng nhân cho những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Đồng thời, nó mãi mãi là biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam.
___HẾT___
Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Thuyết minh về cây tre”. Trung tâm hi vọng bài viết sẽ giúp cho các em có thêm nhiều kiến thức và cách làm bài văn thuyết minh, tuy nhiên, các em không nên sao chép nó vào các bài làm của mình.
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm