Trang chủ » Cẩm Nang Học Tập »
1, Mở bài
Giới thiệu khái quát về cây lúa Việt Nam
2, Thân bài
a, Nguồn gốc của cây lúa
– Một trong năm loại cây lương thực chủ yếu của thế giới và là loại cây lương thực chủ đạo ở Việt Nam
– Nguồn gốc nhiệt đới và cận nhiệt đới khu vực Đông Nam Á của châu Á và ở châu Phi.
– Loài thực vật thuộc một loài cỏ đã được con người thuần dưỡng, đưa vào nhân giống, cấy ghép và phát triển
b, Những đặc điểm của cây lúa
– Loài cây thủy sinh, sống và phát triển chủ yếu ở môi trường nước
– Mỗi cây lúa cao khoảng 1 đến 1,8 mét
– Rễ chùm
– Thân thảo, thân cây được chia làm các mắt khác nhau, bên trong thường rỗng.
– Lá cây lúa hình dẹt dài và mỏng mọc bao phủ bên ngoài thân cây, màu sắc khác nhau vào từng thời kì phát triển.
– Bông lúa thường dài từ 35 đến 50 xăng-ti-mét, chứa rất nhiều hạt.
c, Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa
– Tìm được giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai
– Ủ giống, đến lúc những hạt lúa giống nảy mầm, người ta sẽ gieo chúng xuống đất, chăm sóc nó đến lúc những mầm xanh nhú lên
– Cày, bừa đất, chờ đến khi cây mạ cứng cáp rồi sẽ đem cấy xuống ruộng.
– Trong quãng thời gian từ lúc cấy lúa đến lúc thu hoạch, thường xuyên thăm đồng, bắt sâu, bón phân, cung cấp thêm nước cho cây lúa.
– Gặt nó mang về nhà rồi tuốt lúa, phơi và xát lúa để tạo nên những hạt gạo
d, Vai trò, vị trí và ý nghĩa trong đời sống của con người
– Một nét đẹp văn hóa dân tộc từ ngàn đời nay
– Nguồn cung cấp lương thực chủ yếu, nguồn nguyên liệu làm một số loại bánh
– Thân cây lúa phơi khô là nguồn thức ăn cho các loài gia súc
3, Kết bài
Khái quát lại giá trị của cây lúa và nêu suy nghĩ của bản thân.
Mở bài
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
(Ca dao)
Hai câu ca dao ấy thật nhẹ nhàng đã đi sâu vào trái tim của hàng triệu, hàng triệu trái tim Việt Nam mỗi khi nhớ về chốn làng quê thanh bình với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Và có lẽ, sẽ chẳng ai có thể quên được hình ảnh cây lúa nước – một biểu tượng một nét vẽ đơn sơ, bình dị mà rất đỗi xinh tươi trong bức tranh về làng quê Việt Nam.
Thân bài
Cây lúa là một trong năm loại cây lương thực chủ yếu của thế giới và là loại cây lương thực chủ đạo ở Việt Nam. Cây lúa có nguồn gốc nhiệt đới và cận nhiệt đới khu vực Đông Nam Á của châu Á và ở châu Phi. Thêm vào đó, cây lúa còn là loài thực vật thuộc một loài cỏ đã được con người thuần dưỡng, đưa vào nhân giống, cấy ghép và phát triển. Và như vậy, với nguồn gốc ấy, cây lúa có thể phát sinh, phát triển một cách nhanh chóng trong điều kiện khí hậu, thời tiết ở Việt Nam.
Nếu như những loài cây lương thực khác trên thế giới như khoai tây, bắp, lúa mì, sắn sống ở trên cạn thì cây lúa lại hoàn toàn khác. Lúa là loài cây thủy sinh, sống va phát triển chủ yếu ở môi trường nước. Thông thường, mỗi cây lúa cao khoảng 1 đến 1,8 mét. Thêm vào đó, lúa là loài cây rễ chùm, vì vậy, nó có thể bám chắc vào trong lòng đất để hút dưỡng chất, cung cấp cho quá trình sinh trưởng, phát triển. Lúa là loài cây thân thảo, thân cây được chia làm các mắt khác nhau, bên trong thường rỗng. Ở mỗi làng quê, vào vụ gặt, lũ trẻ con thường dùng thân cây lúa để làm nên những chiếc kèn, âm thanh của những tiếng kèn ấy nghe thật vui tai, như góp phần xóa đi cái nắng nóng của mùa hè và sự mệt nhọc của những ngày mùa. Lá cây lúa hình dẹt dài và mỏng mọc bao phủ bên ngoài thân cây. Tùy vào từng thời kì mà lá cây lúa có độ dài và màu sắc khác nhau. Thì con gái, lúa khoác lên mình những chiếc áo xanh mát và đến gần mùa thu hoạch thì lá lúa chuyển sang màu vàng. Đặc biệt, sau một thời gian gieo trồng, cây lúa trổ bông. Bông lúa thường dài từ 35 đến 50 xăng-ti-mét, chứa rất nhiều hạt lúa, rủ xuống trông rất tuyệt. Những bông lúa ấy chính là sự kết tinh những tinh hoa của trời đất và tấm lòng, sự cần cù, chăm chỉ của những người lao động nơi chốn làng quê.
Ở nước ta hiện nay thường có hai vụ lúa chính là vụ chiêm (thu hoạch vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch) và vụ mùa (thu hoạch vào tháng 8, tháng 9 âm lịch). Song, để cây lúa có thể sinh trưởng, phát triển cần phái trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trước tiên, người nông dân phải tìm được giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi gieo trông cây lúa. Sau khi đã chọn được giống lúa phù hợp, người nông dân sẽ tiến hành ủ giống, đến lúc những hạt lúa giống nảy mầm, người ta sẽ gieo chúng xuống đất, chăm sóc nó đến lúc những mầm xanh nhú lên, những cây mạ xanh ra đời. Trong lúc chờ mạ lớn và cứng cáp hơn, người ta sẽ cày, bừa đất, chờ đến khi cây mạ cứng cáp rồi sẽ đem cấy xuống ruộng. Những ruộng lúa lúc vừa cấy xuống khoác lên mình một màu áo xanh mơn mởn. Để rồi, đến lúc thì còn gái, cánh đồng lúa trở mình, mặc một chiếc áo xanh sẫm và bắt đầu hình thành bông, những bông lúa bên trong mang dòng sữa trắng ngần, ngọt ngào và thơm phức tỏa ngát cả vùng quê. Sau một thời gian, lúc lúa ngả sang màu vàng, những bông lúa đã chín, người ta gặt nó mang về nhà rồi tuốt lúa, phơi và xát lúa để tạo nên những hạt gạo. Tuy nhiên, trong quãng thời gian từ lúc cấy lúa đến lúc thu hoạch, những con người nơi đây phải thường xuyên thăm đồng, bắt sâu, bón phân, cung cấp thêm nước để cây lúa có đủ điều kiện tốt nhất để phát triển. Quả thực, quá trình phát triển cây lúa rất phức tạp, bởi vậy đòi hỏi ở người gieo trồng rất nhiều công sức và phải chăng vì thế, nhân dân ta xưa nay vẫn thường có câu:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần
(Ca dao)
Thêm vào đó, cây lúa giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Từ thời xa xưa, Lang Liêu đã lấy gạo làm bánh kính dâng lên vua cha. Và cũng kể từ đấy, cây lúa đã trở thành một nét đẹp, một biểu tượng của nền văn hóa dân tộc. Trong đời sống của chúng ta ngày nay, cây lúa vẫn luôn giữ một vai tò đặc biệt quan trọng. Hạt lúa chính là nguồn lương thực chủ yếu cho chúng ta mỗi ngày. Những hạt lúa, hạt gạo ấy chính là “hạt ngọc trời”. Gạo không chỉ dùng làm lương thực chính mỗi ngày mà nó còn là nguồn nguyên liệu làm nên nhiều thứ bánh khác nhau là đặc sản của mỗi miền, đó là bánh đa, là bánh tẻ, là bánh cuốn,… Không chỉ có hạt gạo, thân cây lúa sau khi gặt và phơi khô được gọi là rơm, nó là nguồn thức ăn cho gia súc trong nhà, đồng thời, nó là những “chiếc nệm” giữa ấm cho gia súc trong những ngày mùa đông giá rét. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, hiện nay nước ta đã lai tạo được hơn 30 giống lúa khác nhau và nước ta là một trong số những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Điều đó thêm một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy vai trò, vị trí to lớn của cây lúa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Kết bài
Tóm lại, dù thời gian có trôi đi, nền kinh tế của nước ta ngày càng phát triển và đi lên, song không gì có thể thay thế được cây lúa. Cây lúa mãi mãi là một nét đẹp của làng quê Việt Nam, là người bạn tri kỉ, thân thiết và luôn gắn bó cùng với những người dân trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này.
Trên đây là bài viết “Thuyết minh về cây lúa” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Hi vọng các em sẽ tìm hiểu thêm được nhiều điều từ bài viết song các em không nên sao chép nó vào các bài viết của mình. Nếu thấy bài viết này hay, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em!
Tư vấn gia sư (24/7) 097.948.1988
Các tin liên quan
Phụ huynh quan tâm